Xung đột Nga - Ukraine ngày 24/5: Bán đảo Crimea hứng tên lửa, 20 tiếng nổ vang lên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Quân đội Ukraine bị cáo buộc tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào bán đảo Crimea, hãng RT đưa tin, dẫn lời Thống đốc khu vực - ông Sergey Aksyonov.

Khoảng 20 tiếng nổ đã được báo cáo ở khu vực lân cận Simferopol vào khoảng 22h30 ngày 23/5 (giờ địa phương), có thể là do bom chùm được gắn trên tên lửa ATACMS tầm xa mà Mỹ cung cấp cho Ukraine.

Một cơ sở thương mại gần thành phố Alushta cũng bị tấn công. Thống đốc Aksyonov cho biết các vụ việc có gây thiệt hại.

Quân đội Ukraine hiện chưa bình luận về thông tin này.

Nga giành quyền kiểm soát khu định cư Andreyevka ở Donetsk

Bộ Quốc phòng Nga ngày 23/5 thông báo quân đội nước này đã giành quyền kiểm soát khu định cư Andreyevka ở Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk.

"Các đơn vị của cụm quân phía nam đã giành được Andreyevka, cải thiện các vị trí tiền tuyến và gây thiệt hại về nhân lực - trang thiết bị cho các lữ đoàn của Ukraine ở các khu vực gần khu định cư Konstantinovka, Razdolovka và Chasiv Yar thuộc Donetsk", thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.

Trong khi đó, nghị sĩ Nga Viktor Vodolatsky thông báo quân đội nước này hiện đang kiểm soát hơn một nửa diện tích Volchansk - một thành phố thuộc vùng Kharkiv.

"Phần diện tích nằm dưới sự kiểm soát của Nga đã tăng lên và hiện vượt quá 50%. Chúng tôi đang tiến lên một cách chậm rãi nhưng đều đặn".

Nhóm phi công Ukraine đầu tiên hoàn tất khóa huấn luyện lái F-16

Xung đột Nga - Ukraine ngày 24/5: Bán đảo Crimea hứng tên lửa, 20 tiếng nổ vang lên ảnh 1

Ảnh: Tass

Tờ Politico dẫn lời người phát ngôn của căn cứ không quân ở Arizona (Mỹ) - nơi tổ chức khóa huấn luyện, cho biết nhóm phi công Ukraine đầu tiên đã hoàn thành khóa huấn luyện sử dụng máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất.

Số lượng phi công và ngày hoàn thành khóa đào tạo không được tiết lộ. Theo các nguồn tin, nhóm phi công này hiện đang tới châu Âu để trải qua khóa huấn luyện bổ sung.

Ukraine dự kiến sẽ nhận được hơn 60 máy bay chiến đấu F-16 từ Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy.

Trước đó hồi cuối tháng 1, Tạp chí Lực lượng Không quân & Không gian dẫn nguồn tin của Lầu Năm Góc cho biết 4 phi công Ukraine đang được huấn luyện để sử dụng máy bay chiến đấu F-16 ở bang Arizona.

Tổng thống Ukraine có kế hoạch thăm Pháp, Ý

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có kế hoạch đến Pháp dự sự kiện vào tháng 6, sau đó đến Ý dự cuộc họp G7. Ông được cho là sẽ đề nghị các đối tác của Ukraine bắn hạ tên lửa Nga, tăng cường hỗ trợ lực lượng vũ trang Ukraine và tịch thu tài sản của Nga.

Kế hoạch trên được tờ Politico tiết lộ, dựa trên hai nguồn thạo tin. "Tuy nhiên, lịch trình của tổng thống luôn có thể thay đổi", nguồn tin nhấn mạnh.

Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, ông Zelensky dự kiến sẽ tận dụng chuyến đi này để kêu gọi thêm sự hỗ trợ từ phương Tây, đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giúp bắn hạ các tên lửa Nga như những gì Mỹ và Anh đã làm khi Iran tấn công Israel.

Tổng thống Zelensky cũng sẽ đề nghị Mỹ và các nước châu Âu tịch thu tài sản của Nga để chi trả cho việc tái thiết Ukraine sau này.

Tờ Politico nói rằng kế hoạch của ông Zelensky đặc biệt đáng chú ý, vì gần đây ông đã buộc phải hủy chuyến thăm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sau khi quân đội Nga tấn công Kharkiv.

"UKraine đang rất cần được tiếp tục hỗ trợ và quan tâm, nên chuyến đi sẽ giúp ông Zelensky có thêm thời gian gặp gỡ các lãnh đạo quốc tế, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden", tờ Politico viết.

Cũng theo tờ Politico, ông Zelensky có kế hoạch tới Ý dự hội nghị thượng đỉnh G7 sau khi thăm Pháp.

Tờ Politico cho biết trong suốt nhiều tháng, các thành viên G7 đã tranh luận về tính khả thi của việc sử dụng hàng trăm tỷ USD tài sản bị tịch thu của Nga để tăng cường quốc phòng và kinh tế cho Ukraine. Mỹ và Anh ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng này, trong khi một số thành viên châu Âu, chẳng hạn như Đức, lại tỏ ra dè chừng hơn.

Vấn đề này đã được thảo luận trong cuộc họp trước đó của các bộ trưởng tài chính G7. Giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde đã phản đối mạnh mẽ việc tịch thu toàn bộ tài sản của Nga để cho Ukraine vay.

Do đó, ông Zelensky có thể sẽ tận dụng cơ hội này để gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia và cố gắng thuyết phục những người còn hoài nghi.

Trung Quốc, Brazil ký tuyên bố chung kêu gọi hoà đàm Nga - Ukraine

Brazil và Trung Quốc ký tuyên bố chung kêu gọi đàm phán hòa bình để giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine với sự tham gia của cả hai nước.

Văn bản được ký bởi ông Celso Amorim, cố vấn trưởng của Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong đó khẳng định hai bên tin rằng đàm phán là giải pháp khả thi duy nhất cho "cuộc khủng hoảng Ukraine".

Brazil và Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ 3 nguyên tắc để giảm leo thang tình hình: Không mở rộng chiến trường, không leo thang giao tranh và không có hành động khiêu khích của bất kỳ bên nào.

Brazil và Trung Quốc cho rằng việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hóa học và sinh học, phải bị loại trừ, kêu gọi “thực hiện mọi nỗ lực để ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và tránh khủng hoảng hạt nhân”.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky cho biết, ông muốn hợp tác với các quốc gia có “ảnh hưởng với Nga” như Trung Quốc, đồng thời thúc giục Bắc Kinh tham gia hội nghị hòa bình trong tháng tới tại Thuỵ Sĩ.

Theo Tass, Pravda, RT
MỚI - NÓNG