Bạn trẻ Khánh Hòa chế tạo máy đổi rác lấy quà, gây quỹ bảo vệ rùa
TPO - Chiếc máy đổi rác lấy quà do Đặng Nhật Uyên (cựu sinh viên trường Đại học Nha Trang) và nhóm bạn trẻ thực hiện đã thu hút sự quan tâm của hàng ngàn học sinh tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Lượng rác thải nhựa mà máy thu gom sẽ được dùng để gây quỹ bảo tồn rùa.
Với mong muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đặc biệt là hệ sinh thái biển, bạn trẻ Đặng Nhật Uyên (SN 2000, cựu sinh viên trường Đại học Nha Trang) cùng một số bạn học sinh, sinh viên tại tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức dự án “Đại sứ đại dương”.
Dự án được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Khánh Hoà triển khai tổ chức tại các trường tiểu học trên địa bàn TP Nha Trang.
Tại chương trình, nhóm bạn trẻ đã giới thiệu cho học sinh kiến thức về bảo vệ môi trường, tầm quan trọng của việc phân loại rác thải nhựa qua những câu chuyện kể một cách sinh động, dễ tiếp cận. Đồng thời, lắp đặt, giới thiệu máy thu gom rác tự động đổi quà cho học sinh.
Bạn Đặng Nhất Uyên (người sáng lập dự án) chia sẻ, chiếc máy đổi rác lấy quà được Uyên và các cộng sự mày mò, nghiên cứu trong vòng 2 năm, đã ra mắt năm 2022 tại một số siêu thị, điểm công cộng. “Tuy nhiên, dự án này mình hướng đến đối tượng là các bạn học sinh, nhằm thay đổi nhận thức cho các bạn từ những điều nhỏ nhất. Từ đó, ý thức bảo vệ môi trường sẽ theo các bạn trong suốt hành trình trưởng thành”, Uyên nói.
Hàng ngàn học sinh vô cùng hào hứng tìm hiểu về 4 nguyên tắc khi sử dụng rác thải nhựa gồm: Từ chối, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng.
Một số bạn nhỏ còn tự tin chia sẻ ý kiến, sự quan tâm về vấn đề bảo vệ môi trường.
Các bạn học sinh thích thú khi được hướng dẫn tự tay phân loại rác thải. Từ đó, các bạn có ý thức tự giác hơn trong việc bảo vệ môi trường.
Bạn Hoàng Nhật Anh (trường Tiểu học Phương Sài) chia sẻ: “Qua những câu chuyện mà các anh chị kể, em thấy rác thải nhựa ảnh hưởng rất nhiều đến những bạn động vật dưới biển. Em muốn các bạn được sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn nên em sẽ cố gắng bảo vệ môi trường, hạn chế xả rác”.
Chiếc máy đổi rác lấy quà sẽ được đặt tại mỗi trường tiểu học trong vòng 1 tuần. Khoảng thời gian này, các bạn học sinh sẽ thực hiện phân loại rác thải, bỏ vào máy và nhận quà từ dự án.
Cuối tuần, các thành viên của dự án sẽ đến gom rác thải nhựa đã được phân loại tại trường và gây quỹ ủng hộ trung tâm bảo tồn rùa.
Tình nguyện viên Tôn Nữ Hoàng Kim (học sinh trường THPT Lý Tự Trọng) hào hứng nói: “Dự án đã giúp em hiểu hơn về tầm quan trọng của việc phân loại rác. Em vô cùng hạnh phúc khi được góp sức trẻ của mình vào hành trình xây dựng một môi trường sống xanh - sạch - đẹp”
Mỗi địa điểm mà dự án đi qua đã để lại những giá trị tích cực, qua đó lan tỏa lối sống xanh cho các bạn học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.