Bình Định nằm trong số 41/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách miễn hoặc giảm phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến... Văn phòng Chính phủ đánh giá, Bình Định là một trong những địa phương thực hiện tốt số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời, Bình Định cũng triển khai hiệu quả về đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã kết nối với tổng cộng 22 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành để phục vụ cho công tác quản lý, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Cùng với đó, nằm trong số 31 địa phương đã hoàn thành việc xây dựng, kết nối, tích hợp Kho dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu số hóa phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
Kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2022, tỉnh Bình Định xếp hạng thứ 29 trên cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2021. Chỉ số phục vụ người dân, DN trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công được Văn phòng chính phủ đánh giá trực tuyến theo thời gian thực và đang được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tỉnh Bình Định đang đứng thứ 3 toàn quốc.
Bình Định hiện là trung tâm công nghệ của miền Trung, nơi đặt trung tâm nghiên cứu, cơ sở của các công ty công nghệ hàng đầu như FPT, TMA, VNPT...
Hiện nay, 100% các sở, ngành và UBND cấp huyện đều có cán bộ quản trị mạng; 159/159 xã, phường, thị trấn đã thực hiện thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng…
Ông Huỳnh Cao Nhất - Phó Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho hay, CĐS là yêu cầu tất yếu mà không một cơ quan, DN nào cưỡng lại được và đây cũng được xem như là một yếu tố “sống còn”. Hầu hết các DN đều đang tập trung công tác CĐS trong kinh doanh. Để chủ động, các DN cũng tự tìm tòi những hướng đi riêng để có hiệu quả. Theo ông Nhất, một thực tế đã chứng minh nhiều đơn vị không áp dụng CĐS thì hiệu quả kinh doanh không bằng các đơn vị đã thực hiện CĐS.
Là một DN lữ hành quốc tế chuyên về xây dựng các tour du lịch Quy Nhơn - Phú Yên, anh Nguyễn Thanh Tân - Giám đốc Công ty cổ phần Quy Nhơn Tourist nói, từ ngày áp dụng CĐS thì quản lý trong công việc rất hiệu quả, đặc biệt là có thể tiếp cận được những khách hàng ở xa cũng tương tác, chăm sóc được những khách hàng cũ. Kết quả cho thấy có khoảng 80 - 85% khách hàng mới tìm đến công ty, bên cạnh đó cũng có khoảng 15 - 20% là khách hàng cũ quay lại. Đây không phải là con số ít, bởi đặc thù du lịch, phân khúc Quy Nhơn - Phú Yên thường thì 5 năm quay trở lại 1 lần.
Chia sẻ về sự tất yếu này, theo ông Nguyễn Đình Kha - Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Định, công nghiệp - thương mại là 2 trụ cột của nền kinh tế, được xem như là “xương sống” chính, do vậy CĐS thành công sẽ góp phần nâng cao năng lực của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như của các DN. Đồng thời, nâng cao được giá trị cũng như tính cạnh tranh của sản phẩm khi được số hóa.
Thời gian qua, Sở cũng phối hợp với các DN để phát triển nền tảng thương mại điện tử và nền tảng số để rà soát, đăng tải giới thiệu cũng như quảng bá các sản phẩm đến người dùng. Đã hỗ trợ nhiều DN, HTX, cơ sở sản xuất đủ điều kiện, có sản phẩm đạt các chứng nhận OCOP tham gia, phát triển qua sàn thương mại điện tử Shopee để lan tỏa hoạt động mua, bán và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Hỗ trợ 10 DN áp dụng các giải pháp công nghệ số (mã QR code) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và hỗ trợ 10 DN, cơ sở sản xuất, HTX trong tỉnh xây dựng website thương mại điện tử.
Bà Phạm Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) chia sẻ, là 1 DN hoạt động sản xuất kinh doanh có quy mô toàn quốc, Bidiphar xác định CĐS là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Nhờ triển khai sớm các hoạt động CĐS đã giúp cho đội ngũ quản lý nhanh chóng nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, ra quyết định chính xác dựa trên số liệu; tự động hóa các quy trình, giúp tăng hiệu suất làm việc của nhân viên và toàn bộ công ty; tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hoạt động quản trị; số hóa các quy trình nghiệp vụ lõi các bộ phận của công ty và đồng nhất dữ liệu; giúp cho việc tương tác và trải nghiệm của khách hàng trên các nền tảng online ngày càng tốt hơn; tăng sự minh bạch và hiệu quả trong quản trị DN.
Hiện nay, ngành nông nghiệp của Bình Định đang tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ CĐS phục vụ cho việc quản lý, như triển khai ứng dụng công nghệ trong công tác theo dõi diễn biến rừng; ứng dụng công nghệ trong việc phát hiện sớm các biến động về rừng và đất lâm nghiệp; ứng dựng công nghệ để phát hiện sớm các điểm cháy rừng; ứng dụng phần mềm sâu bệnh trên rau; sử dụng ứng dụng “Thuốc bảo vệ thực vật” trên điện thoại thông minh về điều tra, chăm sóc sâu bệnh hại trên cây trồng; thu thập dữ liệu chất lượng nước nuôi trồng thuỷ sản như nhiệt độ, độ mặn, độ pH, DO, kiềm,... bằng các đầu dò cảm biến tự động trong quá trình sản xuất tôm, cảnh báo online các giải pháp kỹ thuật khi chất lượng nước không đạt theo yêu cầu. Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi và xây dựng cơ sở dữ liệu về báo cáo dịch bệnh động vật trên cạn trực tuyến toàn tỉnh.
Đơn vị này cũng phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phần mềm Quản lý thiên tai tỉnh Bình Định và tổ chức đào tạo tập huấn sử dụng phần mềm cho công chức phòng chống thiên tai cấp huyện, xã các sở, ngành liên quan. Đặc biệt, đang phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng Đề cương phần mềm “Chuyển đổi số Nông thôn mới” và phối hợp với VNPT triển khai phần mềm “Hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp VNPT AIMS”.
Ngoài ra, còn hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã để đưa nhóm mặc hàng nông sản chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia trang thông tin sản phẩm tỉnh lên sàn thương mại điện tử như: Postmart.vn; voso.vn…
Cập nhật và quản lý Hồ sơ cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện trực tuyến trên cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp của Cục Trồng trọt. Đến nay, đã cấp 16 mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh với diện tích 78,8ha, gồm 1 mã số dưa lê (3 ha), 5 mã số bưởi (18,7 ha), 1 mã số lạc (5 ha), 9 mã số rau (52,1 ha).
Trong năm 2023, có 19 chủ thể sở hữu giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Sở NN&PTNT cũng phối hợp với Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện yêu cầu các chủ thể ghi nhãn hàng hoá đầy đủ, đúng quy định, đặc biệt phải áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử/mã số mã vạch và luôn duy trì, gia hạn, bổ sung các thông tin đầy đủ lên trên mã QR/mã số mã vạch theo quy định để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện, phân biệt, tìm hiểm thông tin nhanh chóng và chính xác.
Ông Trần Văn Phúc – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, nhằm hỗ trợ bà con nông dân và các cơ sở sản xuất từng bước tiếp cận và ứng dụng CĐS vào sản xuất, kinh doanh, Sở phối hợp với các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương phát triển kinh tế số, thực hiện CĐS trong nông nghiệp. Phối hợp trong việc triển khai thực hiện hỗ trợ nông dân CĐS trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa. Rà soát, hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, điều này đã giúp nông dân, DN, HTX có thêm một kênh bán hàng mới, giúp quảng bá sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng hơn, tăng lượng hàng hóa bán ra.
Xác định CĐS xuất phát chậm hơn sơ với một số tỉnh, thành phố trong cả nước, Bình Định chủ động tìm cho mình hướng đi riêng, trong đó tập trung tập phát triển ngành công nghiệp phần mềm. Khu Công viên phần mềm Quang Trung Bình Định với diện tích 54ha chính thức ra đời. Hướng đi này nhanh chóng nhận được tín hiệu tích cực khi nhiều DN phần mềm hàng đầu cả nước tìm về Bình Định. Tỉnh đã tham gia vào Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung, qua đó tạo điều kiện cho các DN hoạt động trong khu được hưởng các chính ưu đãi, đặc biệt là thuế.
Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Định Trần Kim Kha cho rằng, kinh tế số có vai trò đặt biệt quan trọng, mang lại các cơ hội cho DN Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng, trong việc mở rộng quy mô hoạt động cũng như xâm nhập vào các thị trường quốc tế thông qua qua các nền tảng số.
Ông Kha cho biết, trong kinh tế số, theo khái niệm của Bộ TT&TT thì chia ra 2 lĩnh vực gồm: Công nghiệp ICT, là phát triển kinh tế số trong các lĩnh vực như viễn thông, phần mềm, phần cứng, dịch vụ công nghệ thông tin, internet. Thứ 2 là kinh tế số ngành lĩnh vực, là ứng dụng CĐS trong các ngành, lĩnh vực.
“Đối với lĩnh vực kinh tế số ICT, trong giai đoạn vừa qua ghi nhận nhiều tiến bộ của tỉnh Bình Định. Đây là giai đoạn đầu có các DN hoạt động trong lĩnh vực ICT có tầm cỡ và quy mô của Việt Nam về đầu tư cũng như hoạt động tại Bình Định như FPT Software, TMA Solutions”, ông Kha nói đồng thời cho rằng việc đầu tư của các DN lớn về phần mềm sẽ góp phần tạo niềm tin để thu hút các DN khác cùng hoạt động trong lĩnh vực về đầu tư tại Bình Định.
Ông Kha cũng thông tin, trong 2 năm gần đây 2 DN lớn về viễn thông là VNPT và Viettel đã đầu tư 2 tuyến cáp quang cập bờ tại TP. Quy Nhơn, dự kiến năm 2024 sẽ đi vào hoạt động. “Trong lĩnh vực này, có thể xem Quy Nhơn là một nút giao thông quan trọng trong không gian mạng để kết nối Việt Nam với thế giới”, ông Kha nói.
Ngoài ra, trong 2 năm qua, Bình Định cũng tập trung vào việc quan trọng là dữ liệu số. Đây là một lĩnh vực mà trong năm 2023 vừa qua Bình Định được đánh giá là triển khai quyết liệt, có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh cũng như là sự vào cuộc của chính quyền các cấp. Theo đánh giá năm 2023, tỉnh Bình Định đứng đầu về chỉ số phục vụ người dân, DN trong thực hiện thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công.
Bình Định phấn đấu trở thành Trung tâm kinh tế biển... Ảnh Dũng Nhân |
Theo kết quả triển khai nhiệm vụ CĐS tỉnh Bình Định, trong Quý I năm 2024 có 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã sử dụng Hệ thống phần mềm văn phòng điện tử; thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong và ngoài tỉnh. Ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước của tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Kết quả triển khai thực hiện công tác số hóa hồ sơ thủ tục hành chính tại các sở, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, tỷ lệ số hóa thành phần hồ sơ bình quân của cả tỉnh đạt 98,03%, cấp tỉnh đạt 99,7%, cấp huyện đạt 99,6%, cấp xã đạt 96,2%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử bình quân của cả tỉnh đạt 91,97%, trong đó cấp tỉnh đạt 74,7%, cấp huyện đạt 91,3%, cấp xã đạt 97,2%.
Xác định rõ hạ tầng số phải đi trước 1 bước, thời gian qua Bình Định đã tập trung xây dựng hạ tầng số trên nền tảng dữ liệu và đảm bảo kết nối an toàn, không trùng lắp. Kết quả Quý I năm 2024 cho thấy, địa phương đã duy trì hoạt động Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh (Data Center) đảm bảo an toàn hệ thống thông tin. Mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II đã kết nối đến 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh (gồm 37 cơ quan, đơn vị là các sở, ban, ngành và 11 UBND các huyện, thị xã, thành phố; 159/159 xã, phường, thị trấn) và kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp I của Trung ương; các DN thông tin di động đã xây dựng và phát triển 1.907 (tăng 14 vị trí) vị trí trạm BTS trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đã phủ đạt 97% thôn, làng trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet cáp quang đạt 72,98%.
UBND cấp huyện, UBND cấp xã cũng đã tập trung triển khai nâng cấp hạ tầng CNTT cơ bản (mạng LAN, hệ thống máy tính) để phục vụ cho việc triển khai CĐS và Đề án 06 tại địa phương.
Đối với lĩnh vực kinh tế số, xã hội số, kết quả Quý I năm 2024 của tỉnh Bình Định cũng cho thấy, số lượng DN công nghệ số (DN cung cấp dịch vụ viễn thông và CNTT) trên địa bàn tỉnh hiện có 204; 100% DN, tổ chức thuộc trường hợp áp dụng hóa đơn thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử; tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh là 78,20%.
Báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên
Vào sáng 24/4 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định (số 1 Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn), Báo Tiền Phong phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT tổ chức Hội thảo Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với sự tham dự của đại diện nhiều bộ ngành, chuyên gia, doanh nghiệp và 13 địa phương trong khu vực. Hội thảo sẽ lắng nghe nhiều tham luận về vai trò, xu thế, định hướng phát triển kinh tế số cũng như các mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong phát triển kinh tế số. Chi tiết hội thảo và các bài tham luận sẽ được tường thuật trực tiếp trên báo Tiền Phong ở địa chỉ Tienphong.vn, được livetreams trên Fanpage của Báo Tiền Phong và trên kênh YouTube của Báo Tiền Phong.