Câu chuyện sáp nhập đơn vị hành chính: 'Làng khoa bảng' có nguy cơ biến mất?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) sẽ được sáp nhập với xã Quỳnh Hậu và dự kiến được đổi tên thành Đôi Hậu. Kế hoạch này gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Lịch sử ngôi làng nổi tiếng

Theo sử sách ghi chép, xã Quỳnh Đôi được hình thành năm 1378. Ban đầu, làng có tên là Thổ Đôi Trang, đến năm 1528, được gọi là Quỳnh Đôi. Từ xa xưa, Quỳnh Đôi đã nổi danh với tên gọi “làng khoa bảng”, được dân gian truyền tụng: “Bắc Hà - Hành Thiện, Hoan Diễn - Quỳnh Đôi” để nói đến 2 ngôi làng nổi tiếng ở miền Bắc và miền Trung về truyền thống hiếu học, là đất “địa linh nhân kiệt” nơi sinh ra nhiều danh nhân.

Câu chuyện sáp nhập đơn vị hành chính: 'Làng khoa bảng' có nguy cơ biến mất? ảnh 1

Tượng nữ sỹ Hồ Xuân Hương ở xã Quỳnh Đôi

Xã Quỳnh Đôi là một trong những xã có khoa bảng nhiều nhất nước với nhiều người đỗ đạt thành danh, có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng. Theo thống kê, từ năm 1378 đến năm 1918, Quỳnh Đôi có đến 734 người đậu Tú tài và Cử nhân. Trong đó có 88 người thi Hội trúng Tam trường, 4 người đỗ Phó bảng, 7 người đỗ Tiến sỹ, 2 người đỗ Hoàng giáp, 1 người đỗ Thám hoa.

Tiêu biểu trong đó là Hoàng giáp - thượng thư Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích; ông Hồ Sỹ Dương đậu giải nguyên Đông các; nữ sỹ Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm thế kỷ 18 với những đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam và thế giới, là Danh nhân Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận.

Từ năm 1945 đến nay, Quỳnh Đôi đã có trên 1.000 người tốt nghiệp Đại học và trên Đại học, có trên 300 người đang theo học và giảng dạy tại hàng chục trường đại học trên khắp cả nước. Trong đó có hàng trăm giáo sư, Phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, viện sĩ khoa học quốc tế và hàng trăm người đang hoạt động trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, văn nghệ sĩ.

Sẽ chọn tên phù hợp nhất

Giữa tháng 4, UBND huyện Quỳnh Lưu có văn bản báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An về việc điều chỉnh tên gọi của đơn vị hành chính xã sau sáp nhập. Theo đó, 15 xã của huyện Quỳnh Lưu sẽ được sáp nhập thành 7 xã.

Nêu quan điểm cá nhân của mình trên mạng xã hội, ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An, bày tỏ: “Khi đọc đến tên xã mới từ việc sáp nhập 2 đơn vị cũ là Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu (huyện Quỳnh Lưu) thành xã Đôi Hậu thì tôi thấy băn khoăn thực sự. Nhưng tôi thấy rõ là với tên “xã Đôi Hậu” thì cả Quỳnh Đôi lẫn Quỳnh Hậu đều không thấy bóng dáng mình trong đó.

Nếu cặp đôi 2 xã này được sử dụng từ “Quỳnh Đôi” để đặt tên cho xã mới thì ngoài cái hay do giữ được yếu tố lịch sử, văn hoá truyền thống đã quá nổi tiếng rồi thì còn có cái lợi nữa là đơn giản, tiết kiệm cho Nhà nước, cho người dân trong việc thay đổi các thông tin về nhân thân của công dân.

Việc đặt một cái tên mới tôi biết rất phức tạp, khó khăn vì nó liên quan đến tâm lý, tư tưởng, nhận thức của nhiều người. Nhưng rõ ràng phải lựa chọn một phương án mà nó bị “mất mát” ít nhất thì đó mới là cách hay nhất”.

Năm 1966 xã Quỳnh Đôi vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Năm 1998, xã Quỳnh Đôi được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa” đầu tiên của tỉnh Nghệ An.

Ông Hoàng Văn Bộ, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, chia sẻ, việc sáp nhập và đặt tên xã đang được huyện này thực hiện các quy trình.

Huyện sẽ tuyên truyền, vận động và lấy ý kiến rộng rãi của người dân. Khi tỷ lệ đồng thuận của người dân cao, huyện sẽ trình tỉnh thực hiện các bước theo quy trình. “Mỗi cái đều tốt, chọn lọc cái gì tốt nhất, hợp lý nhất, người dân đồng thuận nhất, thì hiện tại địa phương đang làm.

Ngày 5/5 sẽ lấy ý kiến cử tri, đến ngày 15/5 sẽ họp Hội đồng nhân dân xã, sau đó sẽ họp Hội đồng nhân dân huyện và báo cáo UBND tỉnh Nghệ An trước ngày 30/5”, ông Bộ nói.

Trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi của người dân, Ban chỉ đạo huyện sẽ tiếp thu, điều chỉnh, chọn lọc một cái tên phù hợp với quy định, thỏa mãn nguyện vọng của người dân.

TPHCM: Sắp xếp khu phố, ấp đảm bảo tránh gây xáo trộn cho dân

Thành ủy TPHCM vừa ban hành công văn khẩn gửi các cơ quan, đơn vị thành phố chỉ đạo việc tăng cường quán triệt, thực hiện chủ trương sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn thành phố. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền 22 quận, huyện và TP Thủ Đức cần thống nhất quan điểm trong tổ chức thực hiện sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn thành phố là “Chấp hành nghiêm quan điểm chỉ đạo, quy định của Trung ương; phải bảo đảm cơ bản giữ ổn định, tránh gây xáo trộn, không làm ảnh hưởng đến đời sống, tâm tư, tình cảm và lãng phí cho nhân dân” sau khi thực hiện sắp xếp khu phố, ấp. Thành ủy yêu cầu xác định tên gọi mô hình tổ chức dưới phường, xã, thị trấn bảo đảm chặt chẽ theo quy định của pháp luật, phù hợp với yếu tố lịch sử của từng địa phương, nguyện vọng nhân dân và tình hình thực tiễn áp dụng của thành phố. Cùng với đó, khẩn trương hướng dẫn, nghiên cứu, xây dựng nền tảng ứng dụng cho hoạt động khu phố, ấp, tạo điều kiện hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của thành phố, đảm bảo phù hợp với tình hình hiện nay.

NGÔ TÙNG

MỚI - NÓNG