PGS. TS Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và y học giới tính, BV Đại học Y Hà Nội, cho biết Khoa của anh từng tiếp nhận một bệnh nhân bị sùi mào gà khắp cuống lưỡi, lan cả xuống vùng họng.
PGS. TS Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và y học giới tính, BV Đại học Y Hà Nội. |
Khi các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị sùi mào gà, anh ta khăng khăng: Sùi mào gà sao có thể xuất hiện ở trong… miệng được. Được hỏi về hành trình yêu, bệnh nhân cũng vẫn chưa nói ra sự thật, cho đến khi các bác sĩ đưa ra các tình huống có thể dẫn đến căn bệnh này- STDs - các bệnh lây truyền qua đường tình dục do quan hệ không an toàn bằng miệng thì anh ta mới thú thật là đã vài lần đi “vui chơi” với bạn tình lạ và đúng là có áp dụng phương pháp yêu bằng miệng hay như giới trẻ vẫn nói là oral sex hoặc nó còn có tên gọi khác là tình yêu kiểu Pháp.
Anh ta thảng thốt hỏi bác sĩ:
- Bệnh… cũng có thể lây qua đường miệng sao, bác sĩ?
- Thậm chí cả những bệnh nguy hiểm nhất - Bác sĩ trả lời.
- Vâng, quả thật là em… Em cứ nghĩ đó là “lướt lát”, hương hoa…
- Chính vì nghĩ thế nên mới toi đấy.
Bị mắc bệnh nhiều bậc mày râu mới "ngã ngửa" rằng mình còn hổng kiến thức về an toàn tình dục. |
Thực tế, nhiều người từng nghe những câu chuyện về lây nhiễm các bệnh xã hội do quan hệ ngoài luồng, thiếu an toàn nên họ đã… tránh né bằng hình thức quan hệ qua đường miệng. Thậm chí nhiều người còn lấy làm tự mãn vì mình đã vui chơi… có hiểu biết. Đâu ngờ, chính mình đang còn hổng kiến thức về an toàn tình dục mà không biết.
Thưa PGS.TS Nguyễn Hoài Bắc, quan hệ tình dục bằng miệng có vẻ vẫn như là một đề tài ít được nói đến trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Có lẽ cũng bởi vậy mà nhiều người đang còn nhầm tưởng về phương thức quan hệ tình dục này, cho rằng nó an toàn, dẫn đến hậu quả tai hại. Bác sĩ có thể cung cấp những thông tin cơ bản nhất mà một người bình thường nên biết về kiểu “tình yêu kiểu Pháp” này được không ạ?
Quan hệ tình dục bằng miệng trên thực tế đã ngày một phát triển ở thanh thiếu niên thậm chí phổ biến hơn so với quan hệ tình dục truyền thống, bởi vì nó không dẫn đến mang thai.
Trước đây, quan hệ tình dục bằng miệng bị xã hội kỳ thị. Tuy nhiên, nó dần dần được chấp nhận trong hôn nhân và được biết đến như một hành động thân mật hơn so với giao hợp.
Theo một nghiên cứu về ung thư tại Anh quốc: 10 năm trước, tỷ lệ ung thư miệng là hơn 4.400 trường hợp/năm. Con số này hiện nay đã là 6.200, với 2/3 bệnh nhân là nam giới. Bên cạnh các yếu tố nguy cơ cổ điển trước đây là rượu và thuốc lá, yếu tố chính góp phần vào sự tăng vọt về tỷ lệ ung thư miệng có thể liên quan tới lây nhiễm HPV gây u nhú. Buồn thay, nó lại thường lây lan qua quan hệ tình dục bằng miệng. Nhiễm HPV thường xảy ra trên đầu ngón tay, bàn tay, miệng và bộ phận sinh dục. Đáng lưu tâm là hầu hết mọi người sẽ chẳng bao giờ biết họ đã nhiễm virus. Chỉ có một vài chủng được coi là có nguy cơ cao vì chúng có thể dẫn đến thay đổi tế bào có thể phát triển thành ung thư, đặc biệt khét tiếng là chủng HPV-16.
Như vậy đây chính là phương thức quan hệ tình dục ẩn chứa khá nhiều rủi ro, không như nhiều người vẫn nhầm tưởng về sự an toàn của nó?
Lựa chọn hình thức “yêu” là tự do của mỗi cặp đôi. Tuy nhiên, với bạn tình trong những mối quan hệ không hoặc khó kiểm chứng được lịch sử tình dục của họ thì khẳng định là chúng ta không nên liều lĩnh với lựa chọn “yêu bằng miệng”.
Giải pháp tình thế trong trường hợp đã 'lỡ" thì sau khi quan hệ với đối tượng không thật sự an toàn, không nên đánh răng ngay mà nên vệ sinh trước với nước súc miệng. Ngoài ra bạn cũng nên tư vấn bác sĩ để sử dụng bao cao su miệng (lưỡi) để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.
Khi quyết định “yêu bằng miệng”, thì cặp đôi bạn tình cần có những lưu ý gì, thưa bác sĩ?
Oral sex không phải là phương thức quan hệ tình dục an toàn như nhiều người nghĩ. Yêu bằng miệng, hoàn toàn có thể khiến người trong cuộc mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt khi bạn tình có một lịch sử quan hệ phức tạp. Các bệnh lây truyền thường gặp nhất là lậu, giang mai, herpes, sùi mào gà... Bên cạnh đó, còn có một số bệnh với tần suất gặp ít hơn như mụn cóc sinh dục, Chlamydia, HIV, viêm gan virus A, B, C,...
Đa số mọi người khi quan hệ bằng đường miệng đều không sử dụng biện pháp bảo vệ. Điều này có thể xuất phát từ sự thiếu hiểu biết hay nói đúng hơn là sự coi thường, chủ quan về nguy cơ mắc bệnh.
Thêm một kinh nghiệm nhỏ: Phụ nữ không nên thụt rửa sau khi yêu - nó không bảo vệ khỏi STIs. Ngoài ra, nó có thể lây nhiễm trùng xa hơn vào đường sinh sản đồng thời có thể rửa trôi lớp bảo vệ diệt tinh trùng.
Vậy khi nào thì một người cần phải đi khám bệnh tình dục?
Những hiện tượng như đau, phồng, rộp, phát ban hoặc tiết dịch ở bộ phận sinh dục… đều là bất thường. Cặp đôi cần phải đến viện khám và điều trị kịp thời.