Lão nông xứ Nghệ hô biến phế liệu thành rối điện

TPO - Từ những vật liệu tưởng như bỏ đi, ông Hồ Văn Thân (SN 1961 ở xóm Xuân An, phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) với đôi tay tài hoa, khéo léo đã tạo nên những tác phẩm rối điện độc đáo phục vụ cho bà con trong dịp hội hè, lễ Tết.

Nhặt nhạnh phế liệu làm rối điện

Trong căn nhà nằm khuất giữa làng có vườn cây, hòn non bộ được bài trí đẹp mắt, một lão nông với khuôn mặt hiền hậu đang cặm cụi chăm chút những con rối mà không biết có khách lạ ghé thăm.

Ông Thân hồ hởi khi nói về những con rối điện: “Đứa con tinh thần của tôi và cũng là gia tài của tôi đó. Dù tuổi cao, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc vì được sống trọn với niềm đam mê của mình cũng như góp phần lưu giữ loại hình nghệ thuật đang dần mai một”.

Lão nông xứ Nghệ hô biến phế liệu thành rối điện ảnh 1

Ông Thân và dàn rối điện Đồng Quê.

Nói về cơ duyên đến với với nghệ thuật múa rối điện, ông Thân bộc bạch, tuy xuất thân trong một gia đình thuần nông vất vả nhưng ngay từ nhỏ, ông đã có niềm đam mê xem múa rối điện.

Ông kể bản thân sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Vì túng bẫn nên bố của ông phải đi ở đợ, làm con nuôi. Khi ấy, với anh em ông Thân, có được củ sắn, củ khoai cho chắc cái bụng là may lắm rồi chứ nào dám nghĩ đến chuyện học hành. Ông từng lên huyện miền núi Quỳ Châu, Quỳ Hợp đào đá đỏ với giấc mơ đổi đời nhưng không thành. Về quê lập gia đình, ông làm đủ nghề kiếm sống nhưng có một việc mà ông Thân không thể bỏ được, đó là niềm đam mê múa rối.

Ông nhớ lại: “Hồi nhỏ mỗi khi được người thân dẫn đi xem múa rối tôi thích thú, say sưa ngắm nhìn. Niềm đam mê cứ thế lớn dần, thôi thúc tôi tiếp cận những con rối”. Lúc 15 tuổi, khi đã thành thạo các ngón nghề điều khiển con rối, chàng trai trẻ Hồ Văn Thân được nhận vào đoàn múa rối nước Đồng Quê của địa phương và đi biểu diễn nhiều nơi.

Lão nông xứ Nghệ hô biến phế liệu thành rối điện ảnh 2

Dàn rối điện "khủng" sắp hoàn thiện của ông Thân có chiều cao bằng người trưởng thành.

Thế nhưng vì cuộc sống mưu sinh, các thành viên lần lượt bỏ nghề, đội múa rối của địa phương bị giải tán. Không thể đi diễn nữa, ông Thân nhớ con rối, nhớ các buổi diễn quay quắt. Để cho thỏa nỗi nhớ, tình yêu với những con rối, ông đã tự nghĩ ra cách làm các “dàn rối tự động” mà chỉ một người có thể điều khiển cả một dàn rối theo từng hoạt cảnh đã được dàn dựng sẵn.

Từ ý tưởng ban đầu, ông Thân phải mất hàng tháng trời để nghiên cứu kỹ từng nhân vật để chuẩn bị mua các nguyên vật liệu như vải, sơn, gỗ, nhôm... rồi các chi tiết cơ khí như trục chuyển động bánh răng... về chế tác thành các con rối. Tuy không qua trường lớp nghệ thuật, kỹ thuật nào nhưng ông Thân đã tự mày mò, tận dụng các mô tơ quạt điện bị hỏng, các loại bánh răng tự chế để tạo nên “động cơ” hoạt động cho từng con rối và cả dàn rối điện. Dưới bàn tay khéo léo, tài hoa của ông, những thứ vô tri tưởng như vứt đi đã hóa thành những tác phẩm rối điện xinh đẹp và có hồn như cô gái quan họ, cô gái Thái, chàng trai người Mông, cô ca sĩ, anh nhạc công, ông lão chèo thuyền, cái cọn nước, cái cối giã gạo, con trâu...

Tranh thủ những lúc nông nhàn, hay những hôm trời mưa gió không đi làm đồng, ông lại lôi các thứ đồ nghề ra tạo hình những con rối điện. Khi thì ông may từng bộ quần áo, lúc thì sơn từng cái móng tay, sửa từng mái tóc, cái gót giày... để hoàn thiện dần từng con rối, chỉnh đi chỉnh lại các động tác cử động của "những đứa con cưng" sao cho linh hoạt, sinh động. Qua thời gian, ông hoàn thành từng con rối, dựng thành từng hoạt cảnh.

Ông Thân chia sẻ: “Khó khăn nhất là công đoạn từ những con rối đơn lẻ, ghép lại thành từng hoạt cảnh, phải làm sao cho động tác của các con rối phải ăn khớp với nhau và sống động phù hợp nhạc điệu, tiết tấu. Có khi phải mất hàng tuần mới chỉnh sửa xong một động tác lệch nhịp của một chú rối trong dàn kèn tây, làm sao cho chú rối tay vừa bấm phím kèn, chân vừa đánh nhịp cùng với các con rối khác”.

Nói rồi, ông đưa khách xuống một gian nhà nhỏ, nơi ông cất giữ “niềm đam mê” của mình. Tới nơi, khó ai hình dung được gia tài rối điện của ông Thân lại đồ sộ đến thế. Sau nửa đời người miệt mài với niềm đam mê, ông khoe đã có hàng chục dàn rối tự động với hàng trăm con rối các loại.

“Với tôi, những con rối điện đã thấm vào máu thịt rồi nên giờ khó mà rời xa chúng. Nhiều lúc làm rối hăng say đến nỗi mà quên gánh mạ ra đồng cho vợ con cấy khiến bà nhà mắng cho vì sợ không kịp mùa vụ”, ông tâm sự.

Mong mỏi được truyền nghề

Lão nông xứ Nghệ hô biến phế liệu thành rối điện ảnh 3

"Gia tài" của ông Hồ Văn Thân là hàng chục dàn rối điện.

Ngoài việc bỏ công, bỏ tiền để làm các con rối, dàn rối điện, ông Thân còn tự bỏ tiền túi mua sắm các thiết bị loa đài, âm thanh, ánh sáng để đưa các dàn rối này đi diễn phục vụ miễn phí cho bà con trong và ngoài xã vào các dịp lễ, dịp Tết. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên tại địa phương mời ông tham gia phục vụ trại hè thiếu nhi. Dịp Trung thu, ông Thân được Bảo tàng Nghệ An mời biểu diễn trong chương trình trải nghiệm Múa rối điện cho các em nhỏ. Ông nhớ lại: “Có những dịp trời mưa phùn, gió lạnh, nhưng bà con vẫn đến xem rất đông, làm cho cha con tôi quên hết cả lạnh, bảo nhau cố gắng làm cho tốt vì còn gì vui hơn khi được phục vụ cho quê hương mình”.

Ông Thân cho biết ngoài biểu diễn ở địa phương, những tác phẩm của ông còn được những người làm nghề múa rối ở Huế ra tận nơi thăm và mua các giàn rối như Đồng quê, Xay lúa, Quan họ Bắc Ninh, Tình ca Tây Bắc, Tình ca Tây Nguyên...

Để lan tỏa loại hình nghệ thuật rối điện độc đáo, ông Thân dự tính rủ thêm những người có cùng đam mê, khôi phục lại trò chơi múa rối, biểu diễn các vở như Chiều gặp gỡ, Bao Công xử án, Bố không bao giờ say... Đây là những vở có tính giáo dục cao mà ông đã từng diễn cách đây hàng chục năm và dàn dựng thêm các vở mới. Ngoài ra, ông cũng hy vọng truyền được nghề cho những người trẻ với hy vọng có thể bảo tồn một nét đẹp, một nét văn hóa truyền thống độc đáo đang có nguy cơ ngày càng mai một, lãng quên.

Tin liên quan