Xét xử đại án Việt Á: Một bị cáo vắng mặt vì mới sinh con

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong số 38 bị cáo hầu tòa có bà Trần Thị Hồng (nhân viên kinh doanh của Công ty Việt Á) có đơn xin xét xử vắng mặt vì mới sinh con nhỏ, con lại đang bị bệnh...
Xét xử đại án Việt Á: Một bị cáo vắng mặt vì mới sinh con ảnh 1

Bị cáo Chu Ngọc Anh tại tòa. Ảnh: Như Ý

Một bị cáo xin xét xử vắng mặt

Sáng nay (3/1), TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử 38 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Bộ Y tế, Bộ KH&CN, CDC các tỉnh, thành phố liên quan.

Quá trình làm thủ tục khai mạc phiên tòa, thư ký thông báo trong số 38 bị cáo có bà Trần Thị Hồng (nhân viên kinh doanh của Công ty Việt Á) xin xét xử vắng mặt vì mới sinh con nhỏ, con lại đang bị bệnh.

Xét xử đại án Việt Á: Một bị cáo vắng mặt vì mới sinh con ảnh 2

Các bị cáo tại tòa.

Trong cáo trạng, bà Hồng bị cáo buộc biết rõ việc các cơ sở y tế công lập ứng test xét nghiệm để sử dụng trước rồi thông đồng hợp thức thủ tục đấu thầu thanh quyết toán sau theo giá Công ty Việt Á đưa ra là trái quy định của pháp luật. Tuy vậy, bà Hồng vẫn thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt và Phó TGĐ Vũ Đình Hiệp về hợp thức các thủ tục, hồ sơ để Công ty Việt Á trúng thầu, được thanh quyết toán trái pháp luật.

Cụ thể, bà Hồng đã giúp sức cho Việt Á thực hiện hành vi vi phạm quy định về đấu thầu tại 11 tỉnh, gồm: Hải Dương, Bắc Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Ninh Thuận, Hà Nội, Hà Giang, Bình Dương, Nghệ An, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 254 tỷ đồng.

Xét xử đại án Việt Á: Một bị cáo vắng mặt vì mới sinh con ảnh 3

Bị cáo Phan Quốc Việt. Ảnh: Như Ý

Nêu quan điểm về trường hợp vắng mặt của bị cáo Hồng, đại diện viện cho rằng phiên tòa kéo dài trong nhiều ngày nên có thể tiếp tục triệu tập nếu cần thiết.

Sau khi xem xét, HĐXX cho hay, bị cáo Hồng vắng mặt có lý do chính đáng, việc vắng mặt của bị cáo không ảnh hưởng đến việc xét xử nên cho phiên tòa tiếp tục theo quy định.

Phiên tòa hôm nay, nhiều đại diện của CDC các tỉnh, thành phố có mặt với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ngoại hình bị cáo thay đổi sau một thời gian bị tạm giam

Ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, một số bị cáo được dẫn giải đến tòa có ngoại hình khác so với thời điểm mới khởi tố.

Điển hình như cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh; cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, mái tóc bạc trắng, cơ thể gầy, xanh xao.

Xét xử đại án Việt Á: Một bị cáo vắng mặt vì mới sinh con ảnh 4

Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh Như Ý

Cáo trạng xác định, đầu năm 2020, Công ty Việt Á muốn được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phê duyệt, nên Phan Quốc Việt thông đồng với Trịnh Thanh Hùng (Phó vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế, kỹ thuật là đơn vị đầu mối quản lý nghiên cứu khoa học thuộc Bộ KH&CN) để công ty này được Bộ KH&CN phê duyệt tham gia phối hợp với Học viện Quân y thực hiện đề tài.

Quá trình Công ty Việt Á sản xuất, tiêu thụ test xét nghiệm, ông Nguyễn Thanh Long đã thông qua thư ký Nguyễn Huỳnh để gợi ý, đề nghị và được Phan Quốc Việt đưa hối lộ tổng số tiền 2,25 triệu USD (tương đương hơn 51,1 tỷ đồng).

Trong đó, ông Long thông qua Nguyễn Huỳnh nhận 2,2 triệu USD và nhận trực tiếp từ Phan Quốc Việt 50.000 USD; còn bị cáo Huỳnh hưởng lợi 4 tỷ.

Ngoài ra, các bị cáo Trịnh Thanh Hùng nhận 350.000 USD; Nguyễn Minh Tuấn nhận 300.000 USD; Nguyễn Nam Liên nhận 100.000 USD; cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến nhận 27 tỷ đồng.

Viện kiểm sát xác định Phan Quốc Việt còn chi tiền cảm ơn ông Nguyễn Văn Trịnh (cựu trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ) 200.000 USD; chi cho ông Chu Ngọc Anh 200.000 USD và ông Phạm Công Tạc 50.000 USD.

Giai đoạn điều tra truy tố, ông Nguyễn Thanh Long được đánh giá thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án. Ông có có thành tích xuất sắc trong công tác, đã nộp khắc phục số tiền nhận từ Phan Quốc Việt.

Bên cạnh đó, có 32 trong tổng số 38 bị cáo đã nộp khắc phục với tổng số tiền trên 77 tỷ đồng và 2,65 triệu USD. Trong đó, ông Nguyễn Thanh Long nộp 2,25 triệu USD; Trịnh Thanh Hùng nộp 8 tỷ và 8 sổ tiết kiệm có 4 tỷ; Nguyễn Minh Tuấn nộp 300.000 USD; Phạm Duy Tuyến nộp hơn 12 tỷ đồng...

MỚI - NÓNG