Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (KTTN&MT) cho biết, đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ để tạm ứng chi phí đốt rác cho nhà máy điện rác Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Dự kiến trước 31/12 sẽ hoàn thành ký hợp đồng xử lý chất thải rắn cho nhà máy.
Đại diện Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội cho biết, nhà máy điện rác Sóc Sơn đang chưa được trả chi phí tạm tính cho việc vận hành đốt rác từ khi vận hành lò đốt đầu tiên vào năm 2022, chi phí này lên tới nghìn tỷ đồng. "Khi chưa được thanh toán kinh phí xử lý rác thải, chủ đầu tư không có đủ chứng từ để vay vốn ngân hàng do đó đơn vị đang gặp khó khăn về nguồn vốn để tiếp tục đầu tư và vận hành. Nếu tình trạng này không được xử lý, nhà máy buộc phải tạm dừng hoạt động", đại diện chủ đầu tư chia sẻ.
Đối với nhà máy điện rác Sóc Sơn, tháng 7/2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp về thanh toán chi phí xử lý rác thải tại Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Lãnh đạo TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các sở ngành đề xuất, báo cáo TP về việc tạm ứng kinh phí xử lý rác sinh hoạt tại nhà máy trước ngày 20/7/2023. Tuy nhiên, sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội đến thời điểm này, nhà máy điện rác Sóc Sơn vẫn chưa nhận được khoản thanh toán nào.
Bên trong nhà máy điện rác Sóc Sơn |
Nhiều nhà máy xử lý rác gặp khó
Nhà máy điện rác Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được xem là nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam và thứ hai thế giới (sau Nhà máy điện rác Thâm Quyến của Trung Quốc). Nhà máy đã chính thức đi vào hoạt động giai đoạn 1 từ ngày 25/7/2022.
Một dự án đốt rác phát điện khác tại thị xã Sơn Tây là dự án Nhà máy điện rác Seraphin cũng đang tăng tốc. Đến nay các hạng mục đã đạt khoảng 95% khối lượng. Đại diện Tập đoàn Amacao (chủ đầu tư nhà máy điện rác Seraphin) cho biết, công nhân đang được tăng 3 ca làm việc liên tục để sẵn sàng mục tiêu vận hành lò đốt rác đầu tiên vào Quý I/2024.
Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng nhận định: Từ thời điểm sau khi quy hoạch 1/500 được phê duyệt đến nay, có rất nhiều văn bản pháp luật thay đổi quy phạm, tiêu chuẩn về an toàn PCCC; Quy phạm, tiêu chuẩn về công tác bảo vệ môi trường dẫn đến bắt buộc phải có điều chỉnh thay đổi so với thiết kế đề xuất ở giai đoạn cấp chủ trương dự án. Trong khi đó dự án phải đảm bảo phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy định mới của Nhà nước thì mới được các cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu và đưa vào vận hành dẫn đến phải điều chỉnh về chủ trương đầu tư cho phù hợp với các quy định, thông tư, nghị định và luật mới.