Theo Bản tin dự báo đặc trưng thủy triều của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, dự báo mực nước cao nhất trong những ngày tới tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) như sau: Ngày 14/11 là 1,46m (lúc 4 giờ) và 1,55m (lúc 17 giờ), ngày 15/11 là 1,49m (lúc 4 giờ 30 phút) và 1,57m (lúc 17 giờ 30), ngày 16/11 là 1,49m (lúc 4 giờ 30 phút) và 1,57m (lúc 17 giờ 30 phút),…
Để chủ động ứng phó với đợt triều cường giữa tháng 11 năm 2023 (đầu tháng 10 Âm lịch); Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thông báo thường xuyên trên các phương tiện truyền thông về diễn biến của đợt triều cường cho nhân dân địa phương biết để chủ động ứng phó.
Chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều xung yếu và chuẩn bị vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải đất, cát…) để kịp thời xử lý, gia cố bờ bao xung yếu ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”, không để xảy ra tình trạng bể, tràn bờ bao, sự cố cửa van gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
UBND quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, thiết bị kịp thời khắc phục sớm nhất nếu xảy ra sự cố thuộc các gói thầu của Dự án Bờ hữu ven sông Sài Gòn trên phạm vi địa bàn quản lý.
Triều cường gây ngập tại khu vực đường Trần Xuân Soạn (quận 7). Ảnh: Hữu Huy |
Sở Giao thông vận tải (GTVT), Sở Xây dựng, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi Thành phố và Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước đô thị Thành phố phối hợp với UBND TP Thủ Đức và các quận - huyện chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị kịp thời xử lý các vị trí bờ bao, cống kiểm soát triều, kênh dẫn dòng xung yếu; vận hành hiệu quả các cửa xả, cống kiểm soát triều, trạm bơm.
Đồng thời, phối hợp với Công an Thành phố (lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy) bố trí máy bơm nước di động để kịp thời khắc phục các điểm ngập úng do triều cường gây ra. Đối với các tuyến đường ngập do triều cường, đề nghị các đơn vị có biện pháp đảm bảo an toàn (lắp biển cảnh báo, rào chắn, đèn báo hiệu, đèn chiếu sáng…) nhằm tránh xảy ra tai nạn khi ngập úng.
Các chủ đầu tư các dự án giao thông, hạ tầng đô thị, thủy lợi (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn) chủ động tổ chức kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý ngay các vị trí đê bao, bờ bao, kè, cống, kênh dẫn dòng xung yếu thuộc phạm vi các gói thầu dự án của đơn vị, nhất là các đoạn bờ bao bị tràn trong đợt triều cường này.
Công an Thành phố được giao chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố tổ chức các lực lượng cơ động điều tiết giao thông tại các khu vực trọng điểm bị ngập úng do triều cường.
Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam căn cứ vào tình hình thời tiết trên lưu vực, mực nước hồ, lưu lượng về hồ và diễn biến mực nước triều trên sông Sài Gòn phối hợp với Văn phòng thường trực Ban để kịp thời đề xuất Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố trong việc vận hành hồ Dầu Tiếng nhằm đảm bảo an toàn công trình và giảm ngập lụt cho hạ du, tránh tổ hợp bất lợi do triều cường, mưa lớn kết hợp xả lũ.