Ngày 12/11, nguồn tin cho biết, TAND huyện Tuy Đức (Đắk Nông) vừa tổ chức buổi thương lượng bồi thường oan sai lần thứ 2 cho ông Nguyễn Văn Võ (SN 1963) và vợ Nguyễn Thị Thưởng (SN 1962, cùng trú xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức).
Chủ trì phiên thương lượng là Chánh án TAND huyện Tuy Đức Phạm Văn Phiếm. Tham dự còn có đại diện Sở Tư pháp Đắk Nông, đại diện Viện KSND huyện Tuy Đức.
Phiên thương lượng lần 2 |
Ông Võ, bà Thưởng là hai công dân bị kết án oan sai mà báo Tiền Phong đã phản ánh trước đây. Ông Võ là cựu chiến binh.
Vụ việc diễn biến như sau: Năm 2008, vợ chồng ông Võ sang nhượng 400m2 đất tại xã Quảng Tâm cho bà Đoàn Thị Huệ và bà Vũ Thị Hằng với giá 100 triệu đồng, được biên nhận bằng giấy viết tay. Sau khi được giao sổ đỏ, bà Hằng, bà Hồng đưa máy múc vào san ủi mà không có tranh chấp với ai. Trên diện tích này, sau đó còn được tách một phần bán cho bên thứ 3.
Năm 2016, bà Huệ và bà Hằng đề nghị sang nhượng tên chủ sở hữu, nhưng không được ông Võ đồng ý nên có đơn khởi kiện ra TAND huyện Tuy Đức. Sau đó tòa gửi sang Công an, Viện KSND cùng cấp giải quyết vì cho rằng hành vi của vợ chồng ông Võ có dấu hiệu của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Ông Võ sau đó bị Công an huyện Tuy Đức khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra, còn vợ được cho tại ngoại. TAND huyện Tuy Đức tuyên phạt ông Võ 2 năm tù giam, bà Thưởng 2 năm tù cho hưởng án treo.
Sau đó, TAND tỉnh Đắk Nông cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra bổ sung. Công an huyện Tuy Đức đã không chứng minh được hành vi phạm tội của vợ chồng ông Võ, nên đã ra quyết định đình chỉ vụ án.
Ngày 5/6/2020, TAND huyện Tuy Đức tổ chức xin lỗi công khai vợ chồng ông Võ.
Thương lượng bất thành
Ngày 10/10/2023, TAND huyện Tuy Đức đã chủ trì phiên thương lượng bồi thường thiệt hại cho ông Võ, bà Thưởng. Tuy nhiên, các bên không đạt được thỏa thuận về mức bồi thường.
Đến phiên ngày hôm nay (10/11), phía cơ quan giải quyết bồi thường là TAND huyện Tuy Đức đã nâng mức bồi thường oan sai cho ông Võ, bà Thưởng với tổng số tiền hơn 398 triệu đồng (phiên thương lượng đầu tiên 270 triệu đồng). Tuy nhiên, cuộc thương lượng cũng bất thành khi hai bên không tìm được tiếng nói chung.
Ông Võ, bà Thưởng đưa ra các căn cứ để chứng minh phần thiệt hại do bị kết án oan sai hơn 28 tỷ đồng (ông Võ hơn 28,5 tỷ đồng, còn vợ 99 triệu đồng).
Cụ thể, vợ chồng ông Võ có khoảng 6ha đất thuộc huyện Tuy Đức. Trên diện tích này, họ trồng đủ loại cây như: Cà phê, gỗ sưa đỏ, hồ tiêu, xoài, sầu riêng…, các loại cây cảnh và nhiều tài sản khác.
Thời gian bị kết án oan, cây cối gần như bị chết hoặc kém phát triển như: 2.000 gốc cà phê bị chết, thiệt hại bốn tỷ đồng. Có 4.600 cây gỗ sưa đỏ (8 năm tuổi) bị chết, không thể hồi phục, trong đó có hóa đơn chứng từ 4.000 cây với giá 5 triệu đồng/cây; 600 cây ươm trồng, thiệt hại gần 21 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều cây trồng khác có giá trị bị chết như: Hồ tiêu 1000 trụ; 300 cây các loại (xoài, sầu riêng, bơ, bưởi, mận, cam, quýt); 550 cây mắc ca bị chết và mất trộm…
Kết thúc phiên thương lượng, Chánh án Phạm Văn Phiếm không đồng ý mở phiên thương lượng tiếp theo bởi thời hạn giải quyết thương lượng đã hết. Ngoài ra, có các phiên thương lượng sau cũng không thay đổi về quan điểm giữa bên yêu cầu bồi thường và cơ quan giải quyết bồi thường.
Phía đại diện Sở Tư pháp cũng nêu, theo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước đã hết thời hạn nên không đồng ý mở phiên thứ 3. Đề nghị ông Võ, bà Thưởng khởi kiện thành một vụ án dân sự.
Ông Võ cũng thống nhất phiên thương lượng không thành và sẽ làm thủ tục khởi kiện bằng vụ án dân sự.