Cam rụng tả tơi sau mưa
Những ngày này, người dân "thủ phủ" cam Khe Mây ở xã Hương Đô (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đang đứng ngồi không yên khi cam lần lượt “thi nhau rụng”. Có những hộ dân rụng trên 60% diện tích, khiến người trồng thất thu hàng trăm triệu đồng.
Khi mưa xuống, ông Đinh Văn Nhâm (trú xã Hương Đô) đã tính toán phương án làm mương thoát nước cho vườn cam để tránh ngập úng, song mưa kéo dài nhiều ngày khiến mọi dự định không thể thực hiện. Gia đình ông Nhâm trồng hơn 3ha diện tích chủ yếu là cam chanh và cam bù. Hiện tại số cam chanh đã vào vụ thu hoạch, còn cam bù gần đến Tết Nguyên đán.
Theo ước tính có hàng trăm tấn cam của người dân bị rụng sau mưa lớn kéo dài. |
Tuy nhiên, đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày vào cuối tháng 10 vừa qua đã khiến nhiều diện tích cam bị rụng. “So với những năm trước, đợt này cam rụng rất nhiều, như gia đình tôi hiện tại đã thiệt hại trên 30%, mất trắng cả trăm triệu đồng. Không chỉ cam chanh mà cam bù vẫn rụng”, ông Nhâm nói. Có kinh nghiệm trồng cam hơn 15 năm qua, nhưng ông Nhâm cũng bất lực nhìn cam rụng vì thời tiết thất thường.
Người dân đào hố chôn cam rụng để tránh nấm bệnh lây lan. |
Theo lão nông, vùng đồi Khe Mây đất đá cằn cỗi, mùa nắng rễ không phát triển, khi mưa dài ngày, nước ứ đọng nên dẫn đến hiện tượng rụng quả. Ngoài ra, có những hộ cũng bị thối quả do vi khuẩn xâm nhập khi mưa lớn kéo dài.
“Nếu như mưa xong mà thời tiết im mát thì đỡ, nhưng mưa xong nắng gắt nên cam rụng nhiều hơn. Giờ quả rụng thì phải thu dọn lại vườn, rắc vôi khử khuẩn. Không biết đến lúc chính vụ có còn quả để thu hoạch nữa hay không vì tình trạng này vẫn chưa dừng lại", ông Nhâm chia sẻ.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Đinh Quốc Quân - Phó chủ tịch UBND xã Hương Đô cho biết, địa phương có gần 300ha diện tích trồng cam. Năm nay do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài, khiến 100ha diện tích cam có nguy cơ bị rụng quả từ 30 đến 60%. Việc cam rụng ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, địa phương đang cho rà soát để thống kê về số lượng.
“Mưa kéo dài có những đồi cam rụng hơn nửa, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho bà con nhân dân. Mỗi 1ha trung bình thu hoạch khoảng 10 tấn cam, nhìn chung năm nay con số thiệt hại rất lớn. Có những hộ dân cam rụng, mất trắng vụ mùa”, ông Quân chia sẻ.
Cam Khe Mây rụng hàng loạt. |
Cũng theo lãnh đạo xã Hương Đô, địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân tích cực chăm sóc, bảo vệ, nhất là đào rãnh thoát nước, thu gom số lượng cam bị rụng tại vườn không để nấm bệnh phát triển.
Không chỉ tại xã Hương Đô mà hiện tượng cam rụng còn xảy ra ở xã Hương Thuỷ, Phúc Trạch, Điền Mỹ, Lộc Yên... Ngoài ra một số xã trồng cam ở huyện Vũ Quang, Hương Sơn cũng bị ảnh hưởng.
Gấp rút “cứu” bưởi Phúc Trạch
Lũ rút, nhiều vườn bưởi Phúc Trạch tại các xã Hương Thuỷ, Hà Linh, Hương Giang, Hương Trạch… trở nên xơ xác. Riêng tại xã Hương Trạch vừa qua có tới 90 ha bưởi bị ngập. Lũ rút, nắng lên, nhiều hộ dân hoang mang khi bưởi bắt đầu có hiện tượng rụng lá, héo úa, nguy cơ chết. Sau mưa lũ, ông Phạm Dương Lành (trú thôn Tân Thành, xã Hương Trạch) nóng ruột khi nhìn khu vườn trồng bưởi Phúc Trạch chuyển màu vàng vì bùn phù sa bám gốc. Trong số đó có nhiều gốc héo úa, khó khả năng phục hồi trở lại.
Theo ông Lành, đợt mưa lũ vừa qua có khoảng 200 gốc bưởi bị ngập lụt, có những cây bị ngập hơn 2m. Hiện tại gia đình đang gấp rút để khắc phục chăm sóc cho bưởi, nhưng có khả năng chỉ cứu được khoảng 50%. “Số lượng bưởi trồng 3 năm bị ngập lụt, héo úa dần rất nhiều. Gia đình đang kỳ vọng vụ tới vườn bưởi sẽ cho quả thu hoạch nhưng tất cả công sức đầu tư chỉ một trận lũ đã cuốn đi tất cả. Giờ chỉ mong cứu được cây nào hay cây ấy”, ông Lành ngậm ngùi.
Số lượng bưởi héo úa sau khi bị ngập lụt. Ảnh: Hương Khê |
Ông Đinh Công Tịu – Chủ tịch hội Nông dân Hương Khê cho biết, sau mưa lũ, đơn vị đã phối hợp với Phòng NN&PTNT, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện tổ chức khảo sát, phân công cán bộ kỹ thuật về tận hộ dân để hướng dẫn bà con cách xử lý bưởi bị ngập lụt
“Không chỉ tập huấn tại các địa điểm thôn mà cán bộ kỹ thuật đến từng hộ dân có bưởi bị ngập lụt hướng dẫn họ cách xử lý nấm bệnh và chăm sóc cây bưởi Phúc Trạch. Về cơ bản, hiện tại đã triển khai công tác tập huấn, còn người dân đang tiến hành khắc phục nhằm giảm thiểu thiệt hại”, ông Tịu nói.
Người dân được tập huấn kỹ thuật chăm sóc bưởi sau khi lũ rút để tránh cây chết... |
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trí Đồng – Trưởng phòng NN&PTNT Hương Khê cho biết, mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều diện tích cam đến kỳ thu hoạch của người dân bị rụng. Gây thiệt hại lớn đến kinh tế cho người nông dân. Ngoài ra, khi mưa lũ đi qua cũng đã làm ngập lụt hàng chục ha diện tích trồng bưởi Phúc Trạch.
Bưởi có hiện tượng héo lá, bùn phù sa lấp đầy gốc, nếu không chăm sóc, khắc phục kịp thời sẽ chết, gây thiệt hại lớn. Trước tình hình này, tại các địa phương, người dân đang chủ động khắc phục, dọn dẹp và chăm sóc bưởi sau mưa lũ.