Dùng nguồn cát từ hồ Dầu Tiếng cho dự án đường Vành đai 3 TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nguồn cát từ hồ Dầu Tiếng và tỉnh Bến Tre sẽ được bổ sung cho dự án đường Vành đai 3 TPHCM. Từ tháng 9 đến tháng 10 sắp tới đây, TPHCM sẽ làm việc trực tiếp với các địa phương để có sự thống nhất, nối kết trực tiếp giữa các đơn vị thi công với các mỏ cát này.

Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (gọi tắt là Ban Giao thông, chủ đầu tư), ước tính khối lượng vật liệu xây dựng cần thiết phục vụ cho dự án đường Vành đai 3 TPHCM bao gồm 4 loại. Trong đó, đất đắp nền cần hơn 1,6 triệu m3; cát đắp nền cần hơn 7,2 triệu m3; cát xây dựng cần gần 1,5 triệu m3; đá xây dựng cần khoảng 4,4 triệu m3.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Giao thông TPHCM cho biết, đối với 3 nhóm vật liệu gồm: đất đắp nền, cát xây dựng và đá xây dựng đã có trữ lượng đảm bảo và thậm chí cao hơn nhu cầu. Riêng với cát đắp nền đường (7,2 triệu m3), hiện đã đáp ứng khoảng 5,8 triệu m3 (đạt khoảng 80,5%) từ 10 mỏ ở các địa phương.

“Hiện nay, đã bổ sung thêm nguồn cát từ hồ Dầu Tiếng và ở tỉnh Bến Tre. Từ tháng 9 đến tháng 10 sắp tới đây, TPHCM sẽ làm việc trực tiếp với các địa phương để có sự thống nhất, nối kết trực tiếp giữa các đơn vị thi công với các mỏ này theo cơ chế đặc biệt dành cho dự án Vành đai 3”- ông Lương Minh Phúc cho biết.

Dùng nguồn cát từ hồ Dầu Tiếng cho dự án đường Vành đai 3 TPHCM ảnh 1

Công trường thi công gói thầu XL03 - dự án Vành đai 3 TPHCM (từ Km17+500 đến Km20+550) đoạn qua TP Thủ Đức.

Vẫn theo ông Phúc cho biết, những mốc cơ bản của dự án Vành đai 3 TPHCM hiện đã được thực hiện đúng theo tiến độ đề ra. Từ nay đến cuối năm 2023 và trọng tâm năm 2024, TPHCM và các địa phương xác định sẽ thực hiện 5 nhiệm vụ quan trọng.

Cụ thể, TPHCM và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An sẽ triển khai hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng 100% như theo kế hoạch trước ngày 31/12/2023;

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai đồng bộ tất cả các gói thầu còn lại để khởi công, thi công tất cả các gói thầu trên toàn bộ 4 địa phương của TPHCM cũng như các tỉnh;

Đồng thời tập trung giải quyết bài toán vật liệu xây dựng, đặc biệt là vấn đề cát san lắp để đảm bảo nguồn cung cấp cho những tháng cuối năm 2023 và đặc biệt là cao điểm năm 2024, dự kiến cần hơn 2 triệu m3 cát san lắp; Ngoài ra, đảm bảo công tác triển khai đồng bộ giữa TPHCM và các tỉnh có dự án đi qua về tiến độ, chất lượng và các vấn đề phối hợp liên quan;

"Cuối cùng là chuẩn bị cho các công tác về thiết kế hệ thống, thu phí không dừng, các yếu tố khai thác, tổ chức vận hành hệ thống cho giai đoạn tiếp theo khi công trình hoàn thành"- ông Lương Minh Phúc cho biết.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,3km đi qua 4 địa phương: TP.HCM (47,35km), các tỉnh Đồng Nai (11,26km), Bình Dương (10,76km), Long An (6,81km). Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng.

Trong đó, dự án được phân chia làm 8 dự án thành phần bao gồm 4 dự án thành phần xây dựng; 4 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố.

Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh gồm tám làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60 km/h. Quy mô giai đoạn phân kỳ gồm bốn làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe).

Theo kế hoạch, đường Vành đai 3 TPHCM sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

MỚI - NÓNG