Sau 3 tháng thông xe, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết vẫn ngổn ngang

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã được đưa vào khai thác từ tháng 4/2023 nhưng tiến độ thi công đường gom dân sinh, hệ thống thoát nước, hầm chui… đang rất chậm, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã đưa vào khai thác ngày 19/5, còn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe từ ngày 29/4.

Tuy nhiên, đại diện Sở GTVT Bình Thuận cho biết, hiện nay, nhiều hạng mục của cả hai dự án vẫn chưa thi công hoàn thiện nên tác động không nhỏ đến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân.

Cụ thể, dự án còn 10.703 m các tuyến đường gom dân sinh dọc hai bên cao tốc chưa thi công, 41 tuyến đường địa phương bị hư hỏng do nhà thầu vận chuyển vật liệu cho dự án nhưng chưa được sửa chữa, 11 hầm chui bị ngập nước, 14 cầu vượt dân sinh chưa hoàn thiện, 27 ngôi nhà bị nứt chưa được bồi thường, 52 cống thoát nước ngang đường gom chưa được xử lý...

Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án Thăng Long và các nhà thầu thi công nghiêm túc sửa chữa và hoàn trả các tuyến đường địa phương bị hư hỏng do vận chuyển vật liệu cho cao tốc gây ra.

Sau 3 tháng thông xe, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết vẫn ngổn ngang ảnh 1

Hiện trạng đường địa phương xuống cấp gần khu chợ Tà Mon, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận). Ảnh: VOV.

UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án Thăng Long khẩn trương làm việc với các sở, ban ngành, địa phương liên quan của tỉnh để xác định tình trạng hư hỏng các tuyến đường, thống nhất giải pháp sửa chữa hoàn trả và xác định thời gian hoàn thành để tổ chức triển khai thi công theo kế hoạch, bàn giao cho địa phương.

Ngoài ra, Ban Quản lý dự án 7 và Ban quản lý dự án Thăng Long phải yêu cầu các nhà thầu khẩn trương khắc phục các ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân do thi công dự án, nhất là việc ngập nước 2 ha đất lúa của 8 hộ dân tại xã Hàm Trí (huyện Hàm Thuận Bắc); ngập nước tại nút giao đường cao tốc với đường ĐT.720, quốc lộ 55; đường gom bị gián đoạn tại Suối Khoét Km21+889 đoạn Phan Thiết - Dầu Giây…

UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu UBND các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân khẩn trương làm việc với Ban Quản lý dự án 7, Ban quản lý dự án Thăng Long khảo sát các tuyến đường địa phương bị hư hỏng do vận chuyển vật liệu thi công cao tốc gây ra để thống nhất phạm vi sửa chữa, phương án kết cấu hoàn trả và thời gian hoàn thành, thống nhất các đoạn tuyến đường gom đề nghị bổ sung lần cuối.

Đồng thời, UBND các huyện phải chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đường gom bổ sung để bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công.

Sở GTVT Bình Thuận sẽ có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện theo dõi, đôn đốc Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án Thăng Long khẩn trương khắc phục các vấn đề ảnh hưởng của dự án đến đời sống, hoạt động sản xuất, trồng trọt của người dân.

MỚI - NÓNG
Phó Thủ tướng: 'Họp lên họp xuống nhưng công trình vẫn chờ cát'
Phó Thủ tướng: 'Họp lên họp xuống nhưng công trình vẫn chờ cát'
TPO - Đề cập tới nguồn vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay: “Lâu nay họp lên họp xuống, nhưng công trình vẫn chờ cát. Sau lần họp lần này cần lên được kế hoạch cụ thể, vật liệu không chỉ đáp ứng các công trình quốc gia, còn những công trình liên vùng”.