Nga triển khai hệ thống phòng thủ nổi để bảo vệ cầu Crimea?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mash - một hãng tin Nga nổi tiếng với việc chia sẻ nội dung độc quyền từ các cơ quan an ninh cho biết Mátxcơva đã bố trí hệ thống phòng thủ nổi nhằm ngăn cản các cuộc tấn công bằng xuồng không người lái của Ukraine ở Crimea.

Hình ảnh do Mash công bố cho thấy một hệ thống phòng thủ dạng phao, có gắn thanh kim loại nhằm mục đích ngăn chặn xuồng không người lái tiếp cận mục tiêu.

Theo Marina Miron, nhà nghiên cứu tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh, King's College London (Anh), hệ thống này có thể gây khó khăn hơn cho các xuồng không người lái (USV) của Ukraine trong việc tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga như cầu.

Bà nói với Newsweek: “Điều này cho chúng ta thấy rằng Nga thích ứng khá nhanh.”

Nga triển khai hệ thống phòng thủ nổi để bảo vệ cầu Crimea? ảnh 1

Hệ thống phòng thủ nổi. Ảnh: Mash

Bán đảo Crimea sáp nhập Nga từ năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý, nhưng Ukraine không công nhận.

Nga đã cáo buộc Ukraine liên tục nhắm mục tiêu vào Crimea - nơi đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen bằng vũ khí không người lái.

Ngày 17/7, Mátxcơva cho biết hai USV của Ukraine đã nhắm mục tiêu vào cầu Kerch (dài 18 km), nối bán đảo Crimea với đất liền Nga. Ở thời điểm đó, các chuyên gia cho biết rất khó để Nga bảo vệ cây cầu dài nhất châu Âu này khỏi các vũ khí không người lái của Ukraine, vốn rất khó bị phát hiện trước khi chúng tiếp cận mục tiêu.

Các nhà phân tích cho rằng USV tấn công của Ukraine có kích thước nhỏ, trong khi radar và sonar lại không được thiết kế để phát hiện những phương tiện nhỏ, không có người lái như vậy.

Theo chuyên gia về vũ khí không người lái tại Anh, Steve Wright, hệ thống phòng thủ nổi là những rào cản vật lý, tương tự như lưới chống tàu ngầm hoặc chống ngư lôi, đã tồn tại hàng thập kỷ và phổ biến trong Thế chiến II.

Ông nói với Newsweek rằng chúng có thể được sử dụng khi mở bến cảng, hoặc thậm chí để bảo vệ các công trình và tài sản cụ thể.

Nga triển khai hệ thống phòng thủ nổi để bảo vệ cầu Crimea? ảnh 2

USV của Ukraine. Ảnh: CNN

Sidharth Kaushal, một nhà nghiên cứu tại tổ chức Royal United Services cho biết các rào cản có thể buộc USV phải đổi hướng ngay cả sau khi chúng xâm nhập được vành đai bên ngoài của bến cảng.

“Việc gặp phải rào cản khiến USV đi chậm hơn, dễ bị tấn công bởi các phương tiện khác như súng hoặc trực thăng”, Kaushal nói với Newsweek.

Và có một số dấu hiệu cho thấy những biện pháp phòng thủ này đang có tác dụng. Kaushal nói thêm: “Hệ thống phòng thủ của Nga xung quanh Sevastapol, bao gồm cả phao nổi, dường như khá hiệu quả trong việc bảo vệ các tàu khi chúng ở trong cảng”.

Theo Mash, Newsweek
MỚI - NÓNG