Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh của cả nước năm 2023 cho thấy điểm trung bình là 5,45 điểm, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4,2 điểm. Số thí sinh bị điểm liệt (điểm thi từ 1 trở xuống) của môn này là 192 (chiếm tỉ lệ 0.022%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn Tiếng Anh là gần 393.000 (chiếm tỉ lệ trên 44%). Như vậy đây cũng là môn thi có điểm trung bình thấp nhất trong các môn thi tốt nghiệp THPT.
So với năm 2022, điểm trung bình của môn này năm nay cao hơn (5,45 điểm trong khi năm trước là 5,15 điểm). Số thí sinh bị điểm liệt môn Tiếng Anh năm nay cũng giảm hơn 2 lần so với năm trước (năm trước là 423 thí sinh). Tuy nhiên, phổ điểm môn tiếng Anh cũng vẫn thể hiện hai đỉnh rõ rệt, khác biệt hoàn toàn với các môn thi tốt nghiệp THPT còn lại. Đỉnh thứ 2 của phổ điểm môn thi này là mốc 8,2 - 9,0 điểm. Đây là mốc điểm của những học sinh giỏi và số lượng thí sinh đạt được quanh mốc này là trên 83.000 học sinh.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: Trọng Tài |
Đánh giá về phổ điểm các môn thi năm nay, TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT khẳng định phổ điểm các môn như Lịch sử, tiếng Anh đã đẹp hơn những năm trước, tỉ lệ thí sinh đạt điểm thấp cũng đã giảm hơn.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 có tổng số 656 bài thi ở 9 môn thi bị điểm liệt (từ 1 trở xuống), trong đó môn tiếng Anh dẫn đầu với 192 bài. Môn có nhiều điểm liệt sau tiếng Anh là môn toán với 123 bài. Môn hóa có ít thí sinh bị điểm liệt nhất với 14 bài. Nhưng môn Địa lí có số lượng thí sinh bị điểm 0 nhiều nhất với 80 thí sinh.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng môn Lịch sử qua quá trình đào tạo đã có cải tiến, điểm thi thể hiện tín hiệu đáng mừng. Riêng môn Giáo dục Công dân, nhiều người băn khoăn vì số lượng bài thi đạt điểm 10 tăng gấp 5 lần năm trước, nhưng ông Minh khẳng định đây là tín hiệu cho thấy dân trí đang tăng lên. Tuy vậy, theo ông Minh ba năm liền môn tiếng Anh có những điều cần cân nhắc. Ví dụ như qua đó, cần cải thiện cách học cách dạy cũng như đầu tư như thế nào, tức là có tác động về chính sách để nâng cao chất lượng, giảm khoảng cách vùng miền.
Nhận định thêm về một số môn, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết đáng chú ý là môn Sinh học, năm nay tỉ lệ bài thi đạt từ 8 điểm trở lên là trên 34.000, đạt 10,57%, chỉ bằng một nửa so với tỉ lệ điểm giỏi của các môn Hóa và Vật lý, nhưng vẫn cao gấp đôi so với năm 2022, vì tỉ lệ này của môn Sinh học năm ngoái là 4,6%.
Môn Lịch sử có tỉ lệ điểm giỏi khá ổn định, năm nay là 13%, so với năm 2022 là 18,1%. Môn Địa lý, tỉ lệ điểm giỏi giảm mạnh, số bài đạt điểm 8 trở lên chỉ chiếm 6,6%, trong khi năm ngoái, tỉ lệ này là 16,7%. Tức là số bài thi đạt điểm giỏi chỉ bằng 39,5% so với năm 2022. Môn Giáo dục Công dân có số bài đạt điểm giỏi từ 8 trở lên đạt 61%, cơ bản tương đương năm ngoái. Môn Ngữ văn, số bài thi đạt điểm 7 trở lên đạt 45,9%, cũng tương đương 2 năm trước.
“Như vậy có thể thấy môn Văn tỉ lệ điểm giỏi vẫn rất cao. Đề thi đã đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp THPT, nhưng để xét tuyển vào đại học với những ngành xem môn Ngữ văn là chủ chốt cần có sự cải thiện hơn nữa trong đề thi, và theo tôi phương án tốt nhất là với môn Ngữ văn là cần có thêm bài luận để đánh giá. Thông qua bài luận thí sinh thể hiện cảm xúc, sự vận dụng ngôn ngữ, cũng như năng lực phân tích, năng lực tư duy và hoài bão của mình”, GS Nguyễn Đình Đức nêu quan điểm.
Ít ngành có điểm chuẩn dâng cao
Đối với tổ hợp xét tuyển đại học, tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), dựa vào phổ điểm 3 môn này cho thấy đề thi môn Toán có sự phân hóa tốt khi số điểm giỏi giảm so với các năm trước, đặc biệt chỉ bằng 69% năm 2022. Tương tự môn Lý, môn Hóa cũng đều giảm tỉ lệ học sinh đạt điểm giỏi. Tính từ năm 2020 đến nay, số thí sinh đạt điểm cao (từ 20,5 điểm trở lên) ở tổ hợp A00 của năm 2023 là thấp nhất. Nếu tính trong khoảng từ 15 - 17,75 điểm trở lên, nguồn tuyển tổ hợp này tương đương năm ngoái, thấp hơn một chút so với năm 2021 và nhiều hơn hẳn so với năm 2020.
Nhưng từ mốc 20,5 điểm trở lên, phổ điểm năm nay bắt đầu dốc mạnh, với số lượng thí sinh đạt được các mốc điểm tương đương ít hơn hẳn 3 năm trước, kể cả so với năm 2020. Đặc biệt, từ mốc 22 điểm trở lên thì nguồn tuyển tổ hợp A00 năm nay giảm từ 11 - 16% so với các năm trước. Từ mốc 24,5 điểm trở lên thì năm nay giảm 31% so với năm ngoái, giảm 26% so với năm 2021, giảm 40% so với năm 2020.
Cũng từ mốc này, càng lên mức điểm cao hơn, nguồn tuyển năm 2023 càng giảm so với các năm 2022 và 2020. Chẳng hạn, với mốc 27 điểm trở lên, số thí sinh năm nay chỉ bằng già nửa năm ngoái, bằng dưới 50% năm 2020 và tương đương năm 2021. Với mốc 28,5 điểm, là mốc có khả năng đỗ vào các ngành hot nhất của các trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế quốc dân..., năm nay có 93 thí sinh, cao gần gấp đôi năm 2021 nhưng chưa bằng một nửa năm ngoái 2022 và gần bằng 1/3 năm 2020.
GS Nguyễn Đình Đức cho rằng, dù ngày càng có nhiều trường sử dụng các bài thi đánh giá năng lực, các bài thi riêng để tuyển sinh, nhưng hiện nay tất cả các trường đại học vẫn sử dụng kết quả thi THPT như một phương thức quan trọng.
Với phổ điểm như trên, có thể thấy năm nay, đề thi cơ bản ổn định, một số môn đã được điều chỉnh, sự phân hóa ngày càng được cải thiện tốt hơn. GS Đức dự báo các tổ hợp có môn Toán, Hóa, Địa Lý dự kiến điểm trúng tuyển sẽ thấp hơn từ 0,5-1,5 điểm so với năm ngoái. Các tổ hợp có tiếng Anh, Ngữ Văn, Giáo dục Công dân có thể sẽ nhích hơn chút, từ 0,5-1 điểm so với năm ngoái.
Tuy nhiên, việc tăng, giảm còn phụ thuộc vào chỉ tiêu so với năm ngoái. Nếu chỉ tiêu cho các phương thức khác tăng lên đáng kể, chỉ tiêu dành cho xét tuyển theo THPT giảm đi đáng kể thì điểm chuẩn sẽ tăng. Nếu không tính yếu tố này, với kết quả thi THPT như năm nay, dự kiến với tất cả các ngành điểm trúng tuyển sẽ hạ trong biên độ từ 0,5-1,5 điểm so với năm ngoái.