Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân. (Ảnh: Reuters) |
Lãnh đạo từ 7 quốc gia giàu có nhất thế giới và Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc “không thực hiện những hoạt động can thiệp” và bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền, nhất là ở các vùng Tây Tạng và Tân Cương.
Tuyên bố cũng bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, gián tiếp cáo buộc Trung Quốc “chèn ép”, đồng thời thúc giục Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của mình để gây sức ép khiến Nga kết thúc chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố đáp trả, cho rằng “cách tiếp cận của G7 không có bất kỳ sự tín nhiệm quốc tế nào”.
“G7 khăng khăng thao túng những vấn đề liên quan đến Trung Quốc, bôi nhọ và tấn công Trung Quốc. Trung quốc bày tỏ sự không hài lòng mạnh mẽ và kiên quyết phản đối, đồng thời gửi phản đối chính thức đến nước chủ nhà Nhật Bản và các bên liên quan”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ.
Tuyên bố của G7 nhấn mạnh “tầm quan trọng của hoà bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”, nhưng Bắc Kinh đáp trả bằng cách chỉ trích nhóm này không thể hiện sự phản đối rõ ràng đối với việc Đài Loan (Trung Quốc) đòi độc lập.
“G7 khoe khoang rằng họ muốn hướng đến một thế giới hoà bình, ổn định và thịnh vượng. Nhưng trên thực tế, họ đang cản trở hoà bình thế giới, làm suy yếu ổn định khu vực và kìm hãm sự phát triển của các nước khác”, tuyên bố nhấn mạnh.
Thông cáo chung Hiroshima là kết quả thương lượng giữa các quốc gia G7, trong đó các thành viên có cách tiếp cận khác nhau với Trung Quốc. Một số nước như Mỹ muốn thể hiện quan điểm cứng rắn, nhưng một số nước châu Âu muốn tránh đối đầu.