Thành uỷ Hà Nội vừa ban hành Quy định về quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Về phân cấp quản lý cán bộ, quy định mới của Thành uỷ Hà Nội quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; Ban Thường vụ Thành uỷ; Thường trực Thành uỷ; Đảng đoàn HĐND thành phố; Ban Cán sự Đảng UBND thành phố; trách nhiệm, quyền hạn của các quận, huyện, thị uỷ…
Cụ thể, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách, quy chế, quy định, quyết định của T.Ư về công tác cán bộ và cán bộ tại Đảng bộ thành phố.
Một phiên Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội. Ảnh: PV |
“Biểu quyết giới thiệu, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nhân sự tại chỗ ứng cử các chức danh Bí thư, Phó Bí thư Thành uỷ; Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố. Chỉ định bổ sung Uỷ viên Ban Chấp hành, giới thiệu bầu Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ…”, quy định nêu trong phần trách nhiệm, quyền hạn của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.
Thường trực Thành uỷ có trách nhiệm, quyền hạn về quyết định thẩm tra, xác minh những cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành uỷ quản lý khi có vấn đề cần xem xét về chính trị và một số vấn đề quan trọng khác về cán bộ (bằng cấp, học hàm, học vị, độ tuổi, tài sản, thu nhập…) để đưa ra Ban Thường vụ Thành uỷ xem xét, kết luận theo quy định của Bộ Chính trị.
Cùng với đó, Thường trực Thành uỷ cho chủ trương thực hiện quy trình bố trí, phân công, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức; khen thưởng, kỷ luật; thực hiện chế độ, chính sách các chức danh cán bộ diện Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành uỷ quản lý trước khi trình Ban Thường vụ Thành uỷ, Thành uỷ cho ý kiến…
Đáng chú ý, điều 16 nêu quy định phân cấp quản lý đối với cán bộ đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu.
Theo đó, cán bộ diện Ban Thường vụ Thành uỷ quản lý khi đã thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc nghỉ hưu (trừ trường hợp đã thôi giữ chức vụ hoặc được điều động, bố trí công tác khác không thuộc diện Ban Thường vụ Thành uỷ quản lý) phải được Ban Thường vụ Thành uỷ xem xét, cho ý kiến nhiều vấn đề.
Cụ thể, Ban Thường vụ Thành uỷ sẽ xem xét, cho ý kiến việc: tham gia ứng cử ĐBQH, HĐND các cấp; thành viên lãnh đạo MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; người đứng đầu tổ chức hội và các tổ chức (không bao gồm trưởng ban vận động thành lập hội, tổ chức); làm thành viên, lãnh đạo, quản lý các tổ chức có yếu tố nước ngoài; làm chủ tịch hội đồng thành viên (hội đồng quản trị), giám đốc (tổng giám đốc) doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Cùng với đó, Ban Thường vụ Thành uỷ sẽ xem xét, cho ý kiến việc: khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách; cho ý kiến việc đi nước ngoài, tiếp khách quốc tế, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, nhận huân chương, huy chương, danh hiệu, giải thưởng của nước ngoài và các tổ chức quốc tế tặng.
Theo phân cấp quản lý, Ban Thường vụ Thành uỷ sẽ cho ý kiến đối với các trường hợp nguyên là Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ; Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố.
Ban Thường vụ Thành uỷ uỷ quyền cho Thường trực Thành uỷ cho ý kiến đối với các trường hợp nguyên là Thành uỷ viên, các trường hợp nguyên giữ chức danh, chức vụ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành uỷ quản lý còn lại theo quy định.
Theo Quy định, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các quận, huyện, thị uỷ, đảng uỷ trực thuộc Thành uỷ căn cứ vào Điều 16 của Quy định này để cụ thể hoá nội dung, phân cấp quản lý đối với cán bộ thuộc diện được phân cấp quản lý sau khi nghỉ hưu cho phù hợp.