Có cần khung pháp lý bảo hộ cho các sáng chế do AI tạo ra?

0:00 / 0:00
0:00
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực của đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều sáng tạo từ AI mang giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật và thương mại rất cao, thậm chí cạnh tranh trực tiếp với trí tuệ con người và vượt trội trí tuệ con người ở một số khía cạnh, ví dụ như khả năng tổng hợp thông tin dữ liệu lớn hay một lượng kiến thức khổng lồ.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có các quy định pháp luật cụ thể về việc bảo hộ các sáng chế, tác phẩm bản quyền hay quyền sở hữu trí tuệ do AI tạo ra. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ xảy ra tranh chấp mà không có quy định để giải quyết, không có cơ sở quản lý và động lực cho ngành sáng tạo mới mang tính đột phá trong mọi lĩnh vực. Đồng thời, thực tế này cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc hoàn thiện khung pháp lý đối với AI, trong đó có vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với AI và các sáng tạo từ AI. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư sở hữu trí tuệ Nguyễn Trần Tuyên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Elite.

Xin chào Luật sư Nguyễn Trần Tuyên!

PV: Từ thực tiễn nghiên cứu, Ông đánh giá như thế nào về thực trạng khung pháp lý bảo hộ cho trí tuệ nhân tạo AI hay các sản phẩm do AI tạo ra ở Việt Nam hiện nay, thưa Ông?

Hiện nay, tất cả các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam xoay quanh việc bảo hộ các giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình (phương pháp) do con người tự nhiên sáng tạo ra nhằm giải quyết một vấn đề bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên, không phải do máy móc hay phần mềm sáng tạo ra. Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành của Việt Nam chưa có quy định bảo hộ cho các sáng chế hay các tác phẩm do AI sáng tạo ra.Cụ thể, đối với tác phẩm âm nhạc, tác phẩm mỹ thuật, phần mềm, ứng dụng máy tính, việc tạo ra một chiếc cốc, chiếc hộp, hay thậm chí là kiểu dáng ôtô hay bất kỳ kiểu dáng công nghiệp mới… pháp luật chưa có quy định bảo hộ và không bảo hộ cho tác giả là trí tuệ nhân tạo (AI) mà chỉ bảo hộ cho tác giả là cá nhân hoặc pháp nhân cụ thể đang là chủ sở hữu của AI đó.

Có cần khung pháp lý bảo hộ cho các sáng chế do AI tạo ra? ảnh 1

PV:Vậy, nếu không được pháp luật bảo hộ thì chủ thể sáng tạo, chủ sở hữu các sáng tạo, nhất là sáng chế do AI tạo ra có thể đối diện với những rủi ro pháp lý nào, theo Luật sư?

Khi các sáng chế do AI tạo ra không được pháp luật quy định và bảo hộ, điều này có nghĩa nó đang nằm ngoài vòng pháp luật và chúng ta không thể quản lý, quản trị được. Hậu quả là khi tiến hành khai thác những tài sản phát sinh từ trí tuệ nhân tạo mà không được pháp luật công nhận thì các tài sản đó không được bảo hộ quyền. Chủ sở hữu sáng chế đó không thể chống lại các hành vi xâm phạm, khai thác, sử dụng bất hợp pháp.

Mặc khác, chủ sở hữu cũng không thể thương mại hóa các sáng chế này để khai thác, thu hồi vốn đầu tư cho nghiên cứu, triển khai và không tạo ra lợi nhuận để tái đầu tư cho nghiên cứu tiếp, cải tiến, nâng cấp công nghệ, tạo ra sản phẩm mới, dẫn tới mất động lực về kinh tế cho việc sáng tạo. Hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, khai thác sáng chế cũng sẽ hỗn loạn, không kiểm soát, quản lý được vì không có pháp luật quy định cụ thể, gây xáo trộn xã hội và hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo cũng có thể gây ra hậu quả lớn trong hoạt động bình thường của nền kinh tế như: tạo ra hacker, cản trở sự phát triển khoa học công nghệ… thì việc chưa có các quy định pháp luật cụ thể về AI và các sáng tạo của AI cũng là một thách thức, đòi hỏi cần có quy định pháp lý và cơ chế để quản lý, phát triển.

PV: Vậy, theo quan điểm của Ông, chúng ta có nên công nhận và bảo hộ đối với các sáng tạo của AI không, thưa Ông?

Tôi ủng hộ việc bảo hộ các sản phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra cũng như bảo hộ chặt chẽ trí tuệ nhân tạo càng sớm càng tốt dựa trên các lý do sau:

Thứ nhất, việc công nhận và bảo hộ thể hiện sự công nhận, ghi nhận chính thức của Nhà nước và xã hội;

Thứ hai, việc công nhận là cơ sở pháp lý cho việc bảo hộ và chống hành vi xâm phạm quyền, khai thác trái phép; tạo động lực về kinh tế và tinh thần cho chủ sở hữu đã đầu tư trí tuệ, công sức và tài chính cho việc nghiên cứu, tạo ra sản phẩm, giải pháp kỹ thuật mới, sáng tạo, hữu ích; khuyến khích đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và các nhà sáng chế, cá nhân sáng tạo;

Thứ ba, công nhận sản phẩm trí tuệ do A.I tạo ra là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp phát sinh một cách hợp pháp và công bằng;

Thứ tư, công nghệ mới từ AI sẽ có cơ hội phát triển, tạo động lực cho phát triển kinh tế, văn minh cho nhân loại, giải quyết các thách thức của nhân loại về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, bệnh dịch...vv

Tuy nhiên, vấn đề bảo hộ các sản phẩm trí tuệ do A.I tạo ra như thế nào cũng rất quan trọng. Chúng ta cần bảo hộ theo hướng thúc đẩy khuyến khích phát triển từng lĩnh vực cụ thể, không nên bảo hộ mọi lĩnh vực công nghệ. Việc bảo hộ cần có định hướng, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội chung của Việt Nam trong thời gian tới (theo chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam). Bên cạnh đó, cần cân nhắc đến việc bảo hộ nhằm mục đích khuyến khích phát triển và cân bằng lợi ích, không ảnh hưởng đến lợi ích của công chúng.

Có cần khung pháp lý bảo hộ cho các sáng chế do AI tạo ra? ảnh 2

PV: Vậy, Ông có đề xuất gì trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo hộ quyền SHTT đối với AI và các sáng tạo của AI, đặc biệt là sáng chế do AI tạo ra, thưa Luật sư?

Cần sớm ban hành các quy định pháp luật điều chỉnh để quản lý và thúc đẩy sự phát triển AI. Có thể ban hành một luật riêng, không sửa, bổ sung vào luật Sở hữu trí tuệ hiện hành (quy định các quyền nhân thân và kinh tế/tài sản thời hạn bảo hộ... khác biệt với các quy định hiện hành), trong đó quy định rõ: quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân được ưu tiên bảo vệ, AI không được xâm phạm các quyền này trong quá trình ứng dụng tạo ra sáng chế, tác phẩm mới...

Ngoài ra, cũng cần quy định rõ những sáng chế, tác phẩm trong lĩnh vực nào sẽ được bảo hộ, những lĩnh vực nào bị cấm, không bảo hộ, không khuyến khích phát triển, ví dụ: chống lại loài người, đi ngược, cản trở sự tiến bộ công nghệ, bị lạm dụng cho mục đích vi phạm pháp luật, chống lại loài người, cản trở sự phát triển, tiến bộ về khoa học, công nghệ, văn hóa, văn minh loài người.

Tuy nhiên, theo tôi, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với AI và các sáng tạo của AI là một thách thức pháp lý. Bởi lẽ:

(i) AI không được công nhận là chủ thể trong các mối quan hệ pháp luật theo quy định hiện hành, nên không thể tham gia vào các quan hệ pháp lý hiện hành;

(ii) AI không thể tự mình độc lập tham gia trực tiếp vào các mối quan hệ dân sự, kinh tế, hành chính, hình sự;

(iii) AI không thể tự mình trực tiếp chịu trách nhiệm pháp lý (bồi thường thiệt hại) khi tham gia vào các mối quan hệ/giao dịch dân sự, kinh tế ... nếu xảy ra thiệt hại;

(iv) AI không thể tự mình trực tiếp thực thi các quyền nhân thân và quyền tài sản khi bị bên thứ ba xâm phạm (AI tồn tại dưới dạng thực thể vô hình (phần mềm) hoặc công cụ/tài sản hữu hình (vật liệu, thiết bị ...) không thể khởi kiện, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế sáng chế & tác phẩm một cách trực tiếp và độc lập.

Xin cảm ơn Ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.