Chiều tối nay (31/3), trao đổi tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2021 và năm 2022, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - cho biết, năm 2022, do bị lỗ hơn 26.000 tỷ đồng nên sức ép tăng giá điện đang ngày càng lớn.
Theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, giá than trộn trong nước của Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc năm 2022 đã tăng bình quân từ 34,7 - 46,4% so với giá than trộn bình quân từng loại của năm 2021, làm tăng chi phí của hầu hết các nhà máy nhiệt điện than.
Cùng đó, giá than nhập khẩu năm 2022 lên tới 362,8 USD/tấn, tăng 163% so với năm trước đó. Đặc biệt, riêng thời điểm tháng 4, giá than thế giới tăng vọt lên tới 705,4 USD/tấn, tăng 411% so với mức bình quân của năm 2021.
Giá khí cũng tăng 27,4% trong khi tỷ giá tăng tổng cộng 495,3 đồng/USD, tương ứng tăng 2,2% so với bình quân năm 2021 khiến doanh nghiệp sản xuất điện gặp vô vàn khó khăn khi chi phí mua điện từ các nhà máy từ nhiệt điện khí, nhiệt điện than nhập khẩu, nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc và các nhà máy năng lượng tái tạo tăng cao.
Theo Bộ Công Thương, sức ép tăng giá điện rất lớn trong bối cảnh EVN đang bị lỗ rất lớn do chi phí đầu vào hơn 4 năm không được điều chỉnh. |
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về khả năng tăng giá điện trong thời gian tới, ông Trần Việt Hòa cho biết, theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng, cơ chế giá bán lẻ điện bình quân sẽ căn cứ vào chi phí đầu vào. Nếu giá điện đầu vào tăng 5% thì giá bán lẻ điện sẽ được điều chỉnh và nếu chi phí giảm thì sẽ được điều chỉnh giảm.
Sau khi kiểm tra giá thành, nếu chi phí của ngành điện dưới 5% thì thuộc thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ của EVN, nếu chi phí vượt quá 5% thì thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương, nếu chi phí đầu vào tăng trên 10% thì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
Theo quy định, EVN sẽ phải có các báo cáo và đề xuất chi phí của tập đoàn. Việc tăng giá điện ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân, nền kinh tế.
Đại diện Bộ Công Thương trả lời tại họp báo. |
Theo ông Hòa, hiện EVN đã xây dựng phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, Bộ Công Thương đang phối hợp các cơ quan liên quan để rà soát và lên phương án phù hợp hài hòa lợi ích, đảm bảo tình hình tài chính của EVN và các mục tiêu điều hành ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Về câu hỏi của PV Tiền Phong liên quan đến nguy cơ mất cân đối tài chính của tập đoàn và áp lực tăng giá điện, ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng Giám đốc EVN - cho biết, số liệu lỗ của EVN là rơi vào quý I nên sẽ cần chờ chi phí của năm tới.
Theo ông Nam, thực tế tài chính của EVN hiện rất khó khăn khi bị lỗ trong năm 2022. EVN đã có báo cáo đề xuất Bộ Công Thương báo cáo các cấp có thẩm quyền liên quan đến sớm điều chỉnh giá điện. Theo Quyết định 24, khi chi phí đầu vào tăng lên EVN được điều chỉnh giá điện. Nhưng thực tế hơn 4 năm qua, tập đoàn không được điều chỉnh trong bối cảnh chi phí đầu vào liên tục tăng mạnh.
Cũng theo ông Nam, năm 2022 là năm rất khó khăn của tập đoàn. Bản thân tập đoàn đã nỗ lực rất lớn để khắc phục khó khăn. Do khủng hoảng nhiên liệu đầu vào của thế giới năm 2022, gồm cả khí, than và dầu, chi phí đầu vào của EVN tăng rất cao. Trong đó, giá than có những giai đoạn tăng gấp 4 lần so với năm 2021, giá dầu tăng gấp đôi khiến chi phí sản xuất điện tăng rất mạnh.
“Khoản chênh lệch tỷ giá hơn 14.000 tỷ đồng chưa hạch toán vào giá điện như vậy là rất lớn nhưng do yếu tố đảm bảo an sinh xã hội nên chưa đưa khoản này vào chi phí giá thành điện”, ông Nam cho hay.