Theo đó, các đơn vị thống nhất hướng tuyến dự án đường Vành đai 4 qua TPHCM bắt đầu tại vị trí tiếp giáp Bình Dương (cầu Phú Thuận vượt sông Sài Gòn), điểm cuối ở cầu Thầy Cai (huyện Đức Hoà, Long An).
Trong đó, phương án 1 theo hướng tuyến cơ bản trùng với hướng tuyến quy hoạch vành đai 4 TPHCM, dài 17,35 km, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 17.800 tỷ đồng; tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện hơn 26.000 tỷ đồng.
Phương án trên có 50% đoạn tuyến đi trùng đường hiện hữu, diện tích giải phóng mặt bằng ít nhất trong 3 phương án, nhưng số hộ di dời nhiều, chi phí giải phóng mặt bằng cao nhất so với 2 phương án còn lại. Mặt khác, phương án này được đánh giá khó kết nối giao thông khu vực vào 2 tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài và vành đai 4.
Sơ đồ các tuyến vành đai quanh TPHCM. |
Phương án 2, đoạn vành đai được nắn lại một số khu vực để tránh các đường hiện hữu như Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành... Chiều dài tuyến theo phương án 2 là 17,29 km, vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 13.800 tỷ đồng; giai đoạn hoàn thiện khoảng 22.300 tỷ đồng. Tuyến này cơ bản tránh các đường hiện hữu, ít hộ di dời, chi phí giải phóng mặt bằng thấp; không ảnh hưởng nối kết giao thông khu vực.
Phương án 3 có tuyến tránh xa các đường hiện hữu, ít hộ phải di dời, chi phí mặt bằng thấp, một số nơi được nắn lại giúp tuyến giảm chiều dài còn hơn 16,7 km, kinh phí đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng, có thể kết nối đường khu vực vào 2 tuyến cao tốc. Phương án 2 và 3 được đánh giá giải phóng mặt bằng ít hơn, không ảnh hưởng giao thông ở khu vực.
Sau khi rà soát, Sở GTVT TPHCM nhận thấy có sai khác giữa quy hoạch mặt cắt ngang vành đai 4 đối với đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện Củ Chi, các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 địa bàn huyện Củ Chi.
Theo đó, Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận chủ trương nghiên cứu 3 hướng tuyến trên, trong đó có một số đoạn không trùng với tuyến quy hoạch hiện hữu; nhằm giảm khối lượng và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng; đầu tư dự án.
Đồng thời, Sở GTVT đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận phạm vi dự án vành đai 4; giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT), huyện Củ Chi, rà soát, thống nhất hướng tuyến, các nút giao trên tuyến để tham mưu thành phố xin ý kiến Bộ GTVT.
Trên cơ sở Bộ GTVT thống nhất, Sở QHKT có trách nhiệm tham mưu UBND TPHCM báo cáo Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch hướng tuyến vành đai 4 và cập nhật vào đồ án quy hoạch chung của TPHCM cùng các đồ án quy hoạch có liên quan trên địa bàn Củ Chi.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị rà soát quy hoạch quỹ đất dọc theo hướng tuyến để tham mưu UBND TPHCM chỉ đạo chủ trương thu hồi đất vùng phụ cận vành đai 3, tạo nguồn thu cho ngân sách.
Đường Vành đai 4 dài gần 200 km, với thiết kế có 6-8 làn xe, đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng và được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT về việc giao 5 địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đường vành đai 4.
UBND TPHCM là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), dài khoảng 17 km.
Bên cạnh TPHCM, 4 tỉnh thành là cơ quan có thẩm quyền đầu tư các đoạn thuộc vành đai 4 qua địa bàn. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn, dài khoảng 18 km. Đồng Nai làm đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên (không tính cầu Thủ Biên), dài 45 km. Tỉnh Bình Dương được giao xây dựng đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên), dài khoảng 49 km. Long An thực hiện đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TP.HCM) dài khoảng 71 km.