Ngày 17/10, Big Hit Music – công ty chủ quản BTS thông báo thành viên của nhóm sẽ thực hiện nghĩa vụ quân sự, bắt đầu từ anh cả Jin. Cả nhóm dự kiến tái hợp năm 2025, đồng nghĩa với việc BTS không đi lưu diễn và phát hành sản phẩm âm nhạc đầy đủ thành viên trong vài năm.
Trước đó, BTS được phép hoãn nghĩa vụ quân sự cho đến năm 30 tuổi vì có Huân chương văn hóa Hwagwan năm 2018.
Jin là thành viên đầu tiên của BTS thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ảnh: Getty. |
Kể từ khi phát hành album đầu tiên cách đây 9 năm, nhóm nhạc 7 thành viên RM, Jin, SUGA, j-hope, Jimin, V và Jung Kook từng được đề cử giải Grammy. Họ đóng góp cho nền kinh tế Hàn Quốc ở nhiều khía cạnh từ du lịch cho tới xuất khẩu hàng tiêu dùng.
Những con số biết nói
Trang Fortune gọi BTS là “nền kinh tế” với giá trị thương mại khổng lồ. Tờ này đưa ra trích dẫn của viện nghiên cứu Hyundai (HRI) năm 2018 cho biết BTS đóng góp hơn 3,6 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc mỗi năm - tương đương 26 công ty tầm trung gộp lại.
HRI chỉ ra nhóm thu hút 1/13 du khách tới thăm Hàn Quốc vào năm 2017. Cụ thể, khoảng 800.000 du khách nước ngoài (trong số 10,4 triệu lượt khách) tới Hàn Quốc mỗi năm để xem các buổi biểu diễn của BTS. Điều này có nghĩa 7,6% chuyến du lịch hàng năm của khách nước ngoài tới Hàn Quốc là nhờ sức ảnh hưởng của BTS.
BTS ước tính mang về 1,1 tỷ USD từ xuất khẩu hàng tiêu dùng như hàng hóa và mỹ phẩm liên quan đến nhóm trong năm 2018.
Từ 2014-2023, các nhà phân tích dự đoán BTS đóng góp 29,1 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc.
Giá trị tài sản ròng ước tính của các thành viên BTS vào năm 2020 là 50 triệu USD, theo Forbes.
BTS tác động tới thị trường
Ngoài việc đóng góp cho nền kinh tế Hàn Quốc, BTS còn chứng tỏ khả năng khuấy động thị trường tài chính tại quê nhà.
Thông báo tạm ngừng hoạt động của BTS hồi tháng 6 khiến cổ phiếu của tập đoàn HYBE giảm 1/4 giá trị, đẩy giá cổ phiếu giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán cách đây 2 năm.
Tin tức về việc nhập ngũ của BTS vào ngày 17/10 khiến cổ phiếu của HYBE giảm 2,5%.