Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cùng hòa chung điệu xòe Thái. |
Dự buổi lễ còn có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; Lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương; Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis; Lãnh đạo tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Kạn, Ninh Thuận, Quảng Ngãi...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện UNESCO ghi danh di sản nghệ thuật Xòe Thái. |
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đây là sự kiện đặc biệt, có ý nghĩa lớn và nhiều cảm xúc với chúng ta. Thủ tướng nêu nhiều người đặt câu hỏi vì sao nghệ thuật Xòe Thái được vinh danh và chúng ta cần làm gì, có trách nhiệm như thế nào để gìn giữ nét đẹp truyền thống văn hóa này?.
Nghệ thuật Xòe Thái đã vượt qua nét đẹp của loại hình múa truyền thống với thẩm mỹ sáng tạo, khát vọng vươn tới những giá trị chân, thiện, mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc. Đó là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, sự sẻ chia, tình yêu sâu sắc giữa con người với con người, sự hài hòa giữa con người với văn hóa, bản sắc dân tộc và thiên nhiên hùng vĩ, với những triết lý sống cao đẹp…
Thủ tướng nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và khẳng định tôn vinh nghệ thuật Xòe Thái là tôn vinh những giá trị của tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, của tinh thần lạc quan, của tư duy bảo tồn và phát triển...
Lời ca “Không xòe không vui / Không xòe cây ngô không ra bắp / Không xòe cây lúa không trổ bông / Không xòe trai gái không thành đôi” ngân vang giữa rừng hoa ban, hoa mận, hoa đào vùng Tây Bắc, bên dòng sông Mã, sông Chảy, Mường Hung đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày vui của mỗi gia đình hay những ngày lễ lớn của các bản làng, của dân tộc.
“Chúng ta vui mừng và tự hào khi Xòe Thái là di sản thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Đây là niềm tự hào của dân tộc Thái và của cả cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Qua đó, tiếp tục khẳng định sự đóng góp của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam rất quan trọng đối với thế giới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.
Thủ tướng nhấn mạnh đây vừa là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề của các cấp, các ngành, các địa phương, các thế hệ nghệ nhân dân gian, cộng đồng dân tộc Thái và nhân dân Việt Nam. Để tiếp tục tạo sức sống mới, lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ giá trị của nghệ thuật Xòe Thái, Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, nhân dân và cộng đồng người Thái ở các tỉnh Tây Bắc, Bộ VHTTDL phối hợp triển khai nghiêm túc, hiệu quả “Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái” theo đúng cam kết với UNESCO.
Thủ tướng nhấn mạnh phải làm bằng tâm huyết, trái tim, tấm lòng, bằng niềm tự hào, bằng nội lực và trách nhiệm của mình, để những lời ca, âm nhạc của các điệu Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe gậy, Xòe hoa... tiếp tục được trao truyền qua các thế hệ, được nuôi dưỡng và lan tỏa mạnh mẽ ra cộng đồng các dân tộc anh em và trên thế giới.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam trang trọng trao bằng của UNESCO ghi danh di sản Nghệ thuật Xòe Thái cho Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương. |
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Quang Hiệu trao bằng cho lãnh đạo các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và tặng hoa cho đại diện cộng đồng của 4 tỉnh có di sản. |
Tại buổi lễ, đại biểu và người dân, du khách đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản. Đây là lần đầu tại Thị xã Nghĩa Lộ diễn ra chương trình nghệ thuật với phối cảnh sân khấu hoành tráng, mang đậm sắc màu văn hóa Tây Bắc.
Một trong những dấu ấn khác biệt của Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản là ở thiết kế sân khấu chảy dài xuống toàn bộ sân vận động trung tâm, được liên kết xuyên suốt với hình tượng dòng suối chảy ngang qua sân vận động như dòng Nậm Thia (ngòi Thia) chảy dài từ trên thượng nguồn những dãy núi bao la, xuống tận vùng đồng bằng.
Với kết cấu 3 chương: Thiên di - Dựng bản lập mường, Miền di sản, Tinh hoa nghệ thuật Xòe, đêm nghệ thuật tái hiện không gian đặc sắc với những câu chuyện về cội nguồn của đồng bào Thái, những nét văn hóa độc đáo, tinh túy và đặc sắc nhất trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Thái ở Tây Bắc Việt Nam.
Điều đặc biệt là chương trình không sử dụng đạo cụ sân khấu thông thường mà dùng các hiện vật tồn tại hàng ngày trong đời sống người Thái như lúa, tre, nông cụ… |
Chương trình kết thúc trong không gian sôi động, cháy lửa của những vòng Xòe bất tận. Trong những ngày qua, hơn 3.000 nghệ sĩ, diễn viên và nghệ nhân đồng bào dân tộc Thái đã miệt mài tập luyện để tạo nên những điểm nhấn khó quên trong đêm vinh danh, đặc biệt là màn đại xòe chưa từng có với quy mô 2.022 người. |