Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay, cả nước có trên 938 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH. Trong đó, số thí sinh đã nhập nguyện vọng lên hệ thống tuyển sinh chung là gần 375 nghìn với 1.436.541 nguyện vọng. Trung bình mỗi thí sinh có 3,83 nguyện vọng.
ThS Nguyễn Văn Trung, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Thương Mại cho hay, trong khoảng thời gian từ 22/7 đến 20/8, thí sinh thực hiện các quy trình đăng ký nguyện vọng lên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Từ ngày 21 đến 28/8, thí sinh chốt nguyện vọng trên hệ thống, thời gian này, thí sinh mới phải nộp tiền lệ phí xét tuyển bằng hình thức trực tuyến.
Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Nam, quê ở Thanh Hoá lại đang gặp một số khó khăn khác. Nam cho biết, năm 2021 em đã trúng tuyển vào một trường ĐH tại Hà Nội. Sau một năm theo học, Nam không thấy hợp nên muốn học ngành khác. Nam sử dụng phương thức xét kết quả học bạ và đã trúng tuyển. Em căn cứ theo cách thức xét tuyển của năm ngoái mà không lường trước được sự thay đổi trong năm nay. Nếu như năm 2021, thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ thì không cần phải tham gia đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Nhưng năm nay, do quy định thay đổi, dù đã trúng tuyển bằng phương thức nào, thí sinh đều phải đăng ký nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống chung để Bộ lọc ảo.
Chính vì vậy, Nam không có tài khoản để đăng ký và em phải gọi điện đến trường ĐH, nơi vừa trúng tuyển để “cầu cứu”. Tuy nhiên, thực tế các trường ĐH chỉ là điểm cuối nhận hồ sơ, chỉ hướng dẫn các bước để thí sinh thực hiện. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết với những thí sinh tự do, các em đang ở đâu (thường trú, tạm trú) đều có thể đến địa điểm mà Sở GD&ĐT của nơi đó quy định nhận hồ sơ để đăng ký. Thí sinh cần tải phiếu đăng ký giống như khi đăng ký thi tốt nghiệp trên hệ thống, khai đầy đủ thông tin. Nơi thu phiếu sẽ cấp cho thí sinh tài khoản và mật khẩu để thí sinh thực hiện đăng ký nguyện vọng.
Thí sinh không nên đăng ký nguyện vọng quá muộn. Ảnh: Trọng Tài |
Có chiến thuật “rải” nguyện vọng
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho biết quy chế tuyển sinh và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT quy định không giới hạn số lần đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng là để tạo cơ hội tốt nhất cho thí sinh trúng tuyển. Việc đăng ký số lượng nguyện vọng và sắp xếp thứ tự các nguyện vọng trên hệ thống chung hoàn toàn do thí sinh quyết định. Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả các trường được xếp thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất của thí sinh.
“Thí sinh không nên đợi đến cuối thời hạn mới đăng ký. Nên thực hiện trong 10 ngày đầu tháng 8, sau đó nếu điều chỉnh gì vẫn còn 10 ngày nữa để xem xét”.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy,
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH,
Bộ GD&ĐT
Bà Thuỷ cũng lưu ý, thí sinh cần có chiến thuật “rải” nguyện vọng đăng ký xét tuyển. “Mỗi phương thức xét tuyển có một tỉ lệ chỉ tiêu tuyển nhất định. Nếu thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành mình yêu thích bằng phương thức xét tuyển sớm, nên đăng ký là nguyện vọng 1. Đồng thời không nên tập trung tất cả các nguyện vọng vào trường top đầu, những trường có mức độ cạnh tranh quá cao. Nếu không cẩn thận sẽ có nguy cơ không đỗ trường nào”, bà Thuỷ chia sẻ.
PGS Nguyễn Thu Thuỷ khẳng định dù thí sinh có khả năng trúng tuyển sớm nhiều ngành, nhiều trường ở các phương thức khác nhau nhưng khi đăng ký theo thứ tự ưu tiên nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT và xử lý lọc ảo, mỗi thí sinh chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng. Năm nay, sẽ không xảy ra tình trạng thí sinh trúng tuyển chính thức 2, 3 phương thức, hay 2, 3 trường ĐH khác nhau. Hiện nay, nhiều thí sinh đã biết đủ điều kiện trúng tuyển bằng xét học bạ, đánh giá năng lực... nhưng nếu không xác nhận bằng cách đăng ký lại nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung thì xem như thí sinh từ chối trúng tuyển.
Bên cạnh đó, nếu thí sinh đã được thông báo trúng tuyển 1 nguyện vọng trên hệ thống, các nguyện vọng sau đó đều không còn giá trị. Do vậy, bà Thuỷ khuyên thí sinh cần cân nhắc kỹ khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Thí sinh phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển. Nếu bỏ dở quy trình, hệ thống sẽ không cập nhật và không nhận thông tin đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh.
Khi thí sinh chưa xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng hoặc chưa nộp lệ phí xét tuyển, hệ thống chưa chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh. Hệ thống hỗ trợ chắc chắn giúp thí sinh đỗ vào nguyện vọng ưu tiên nhất có thể mà không phải lo lắng lựa chọn giữa các phương thức xét tuyển khác nhau. Để có đủ thông tin xét tuyển, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường ĐH để đảm bảo không bị nhầm lẫn khi đăng ký nguyện vọng, chọn ngành, tránh sai sót và ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển sau này.