Tiếp xúc với cử tri ngày 23/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm để áp dụng cho giai đoạn mới. Ảnh: Như Ý |
Kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao
PCTN, tiêu cực, luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước nhằm hạn chế những mặt trái của nền kinh tế thị trường. Trước tháng 2/2013, Ban Chỉ đạo Trung ương trực thuộc Chính phủ, do Thủ tướng đứng đầu. Tuy nhiên, hoạt động Ban Chỉ đạo trong giai đoạn này còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Tại Kết luận số 21 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã thẳng thắn đánh giá, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành , nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách; thu thuế, phí… Thực trạng trên đã gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Chu Ngọc Anh, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị bắt trong vụ Việt Á. Ảnh: PV |
Để tạo ra bước ngoặt mới trong công tác PCTN, Trung ương (T.Ư) quyết định thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN (sau này là Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, tiêu cực) trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Cùng với đó, T.Ư quyết định lập lại Ban Nội chính T.Ư là cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành T.Ư, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính; đồng thời, là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCNT. Tháng 2/2013, Bộ Chính trị ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, gồm 16 thành viên do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Là một trong 16 thành viên của Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim (khi đó là Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho biết, việc chuyển từ mô hình trực thuộc Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu sang mô hình trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu là yêu cầu khách quan, thể hiện quyết tâm cao hơn trong việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Hơn nữa, việc chuyển đổi mô hình này cũng là để tăng cường tính độc lập tương đối của Ban Chỉ đạo với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong đấu tranh PCTN, tiêu cực.
Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (tháng 2/2013) đến nay, công tác PCTN đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao. Nếu như trước đây, dư luận vẫn băn khoăn với “vùng cấm”, “ngoại lệ”, “tư duy nhiệm kỳ”, “hạ cánh an toàn”… thì nay đã có những câu trả lời thỏa đáng. Công tác PCTN, tiêu cực giờ đây đã thực sự “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, bất kể người đó là ai.
Trong10 năm qua, các cơ quan của Đảng đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên T.Ư, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Tính riêng, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, kỷ luật 50 cán bộ diện T.Ư, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên T.Ư, 20 sĩ quan cấp tướng.
Bao giờ kiểm soát được nhà đất của công chức?
GS.TS Ðặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, muốn chống tham nhũng về đất đai với từng cá nhân buộc chúng ta phải công khai thông tin về đất đai, bất động sản. Theo đó, phải công khai cá nhân có bao nhiêu nhà, nguồn gốc bất động sản từ đâu ra. “Hiện, cơ quan nhà nước có tư duy theo kiểu cũ, tức là tài sản cá nhân của mọi người là riêng tư, không được đưa ra công khai. Ðấy chính là ranh giới ngay trong biện pháp quản lý chúng ta không dứt khoát”, ông Võ nói.
“Chúng ta có kê khai nhưng không công khai. Ðiều đáng nói là làm sao để biết chính xác một cán bộ có bao nhiêu nhà đất vẫn chưa thực hiện được, thiếu công cụ kiểm soát, chỉ dựa vào tự kê khai mà thôi. Cách này chưa thực sự ổn bởi việc này không ai biết và chỉ có cơ quan có trách nhiệm biết. Và việc có xử lý và xử lý đến đâu cũng chưa minh bạch”, ông Võ cho hay.
Ngọc Mai(ghi)
GS.TS Ðặng Hùng Võ |
“Truyền lửa” từ T.Ư xuống địa phương
Mặc dù xử lý nghiêm minh, quyết liệt, tuy nhiên, tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong đó vụ việc Việt Á là một ví dụ điển hình cho thấy những “viên đạn bọc tiền” vẫn có thể làm “gục ngã” đội ngũ cán bộ các cấp, kể cả đó là các bộ trưởng, thứ trưởng.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến lâu dài, không thể nghỉ ngơi, hay chùng xuống. Nếu chùng xuống, lòng tham vật chất trong một bộ phận cán bộ sẽ trỗi dậy, dẫn đến sa ngã, hư hỏng trước đồng tiền. “Chống tham nhũng thì không được ngừng, được nghỉ; phải thực hiện một cách kiên trì, quyết liệt, đồng bộ. Đặc biệt, cùng với chống thì phải chú ý nhiều đến công tác xây dựng cơ chế để “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng”, ông Hùng nói.
Tiếp xúc với cử tri Hà Nội, ngày 23/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh PCTN để nhìn lại giai đoạn từ khi thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị. Hội nghị sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm để áp dụng cho giai đoạn mới, làm cơ sở để tổ chức hoạt động đồng bộ, thống nhất từ T.Ư xuống cấp tỉnh, bảo đảm ở đâu cũng “đúng vai, thuộc bài”, hướng tới giai đoạn phát triển mới về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đối với việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Hùng khẳng định “rất cần thiết” để khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tạo sự chuyển động đồng bộ từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, để tạo ra sự hiệu quả, tránh tình trạng “cục bộ địa phương”, “dĩ hòa vi quý”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng, những bài học, kinh nghiệm trong hoạt động của Ban Chỉ đạo ở T.Ư phải được lan tỏa, “truyền lửa” xuống cho các Ban Chỉ đạo địa phương. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo ở địa phương phải gương mẫu, trong sạch, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào; phải chống tham nhũng trong chính lực lượng phòng, chống tham nhũng. Người đứng đầu phải dũng cảm, sẵn sàng đương đầu với các “nhóm lợi ích”.
“Việc tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là dịp tốt để quán triệt và tạo ra sự chuyển động và những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong cuộc chiến với tham nhũng, tiêu cực”, ông Hùng kỳ vọng.