Thiếu khí đốt Nga, nhiều nước châu Âu quay trở lại dùng than

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan Rob Jetten thông báo nước này đang dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế đối với các nhà máy điện than để giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng càng nhiều càng tốt trước mùa đông.

Theo Bộ trưởng Jetten, La Hay đã kích hoạt giai đoạn “cảnh báo sớm” của kế hoạch chống khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh có khả năng thiếu khí đốt tự nhiên trong mùa đông này.

“Nội các đã quyết định lập tức rút lại lệnh hạn chế sản xuất đối với các nhà máy điện than”, ông Jetten nói, đề cập đến quy định tất cả các nhà máy điện than ở Hà Lan chỉ được vận hành tối đa 35% công suất lắp đặt.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng ở thời điểm hiện tại chưa xảy ra tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng”, ông Jetten lưu ý, nhưng vẫn khẳng định “có nhiều quốc gia hiện đang bị Nga siết chặt”.

Trong một động thái tương tự hôm 19/6, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết Berlin sẽ phải đẩy mạnh việc sử dụng than để sản xuất điện, nhằm bù đắp lượng khí đốt tự nhiên thiếu hụt từ Nga.

Tại Áo, chính phủ đã thỏa thuận với công ty năng lượng Verbund để lên kế hoạch mở lại nhà máy sản xuất điện bằng than nếu tình trạng khẩn cấp về năng lượng ngày càng nghiêm trọng.

Động thái của các quốc gia nói trên đã vấp phải sự phản đối của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) – bà Ursula von der Leyen.

Bà Von der Leyen nhấn mạnh các quốc gia EU không nên quay lại sử dụng than và bỏ qua các mục tiêu về biến đổi khí hậu để tìm cách thế chỗ khí đốt Nga.

“Chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta sẽ tận dụng cơ hội này để tiến lên phía trước, và không quay trở lại sử dụng nhiên liệu hóa thạch bẩn”, bà Von der Leyen nói, đồng thời thúc giục các quốc gia EU tiếp tục “đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo”.

Bà nói thêm rằng Brussels có "các bước khẩn cấp" để đối phó với mối đe dọa từ việc giảm nguồn cung từ Nga, chẳng hạn như tiết kiệm năng lượng và ưu tiên các ngành công nghiệp tiếp nhận khí đốt.

Hồi tháng 3, châu Âu đã công bố mục tiêu loại bỏ dần khí đốt của Nga vào năm 2030. Quyết định này được đưa ra như một phần của các lệnh trừng phạt đối với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Tuy nhiên, các thành viên EU như Đức đã nhiều lần cảnh báo rằng lệnh cấm ngay lập tức đối với năng lượng của Nga sẽ gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế các nước này.

Theo RT
MỚI - NÓNG