'Rút ruột' tài nguyên đất
UBND tỉnh Phú Thọ vừa ban hành Quyết định số 1306, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Bắc Á (công ty xây dựng Bắc Á), trụ sở chính tại khu Đồng Mạ, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, do ông Ông Nguyễn Tuấn Hiệp đại diện pháp luật, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Theo Quyết định, công ty xây dựng Bắc Á đã chuyển mục đích sử dụng 20.000m2 (tương đương 2ha) đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp khi không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Cụ thể, công ty này đã sử dụng 16.538m2 đất trồng lúa làm bãi tập kết nguyên liệu đất sét và sử dụng 3.462m2 đất trồng lúa để xây dựng các hạng mục như nhà điều hành, nhà để xe, nhà ăn ca, nhà bảo vệ, lò nung, xưởng sản xuất, sân chứa nguyên liệu sản xuất.
UBND tỉnh Phú Thọ quyết định xử phạt hành chính công ty xây dựng Bắc Á 200 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu công ty này chấm dứt ngay hành vi vi phạm.
Trước đó, UBND tỉnh này cũng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với Công ty TNHH chè Ngọc Đồng (công ty chè Ngọc Đồng), có trụ sở tại xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập, do ông Nguyễn Thanh Lam làm Giám đốc. Được biết, Công ty chè Ngọc Đồng được giao quản lý 178ha để thực hiện dự án cải tạo giống chè.
Theo Quyết định, công ty chè Ngọc Đồng đã có hành vi san gạt, hạ cốt nền (làm biến dạng địa hình khu vực) với diện tích 50.566m2; tổng khối lượng đất san gạt, vận chuyển là 107.864,5m3. Như vậy, diện tích công ty san gạt, hạ cốt ngoài chỉ giới được UBND huyện cấp phép là 45.417,7m2 (trong đó diện tích UBND huyện Yên Lập đã xử phạt là 5.323,5m2); khối lượng đất dư thừa vận chuyển vượt cấp phép là 99.048,7m3.
Nơi Công ty TNHH Chè Ngọc Đồng đã từng có hành vi vi phạm tại Phú Thọ (Ảnh: Phùng Hằng) |
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu công ty chè Ngọc Đồng vi phạm vì hành vi nêu trên, bởi trước đó công ty này đã bị UBND huyện Yên Lập xử phạt 1 lần. Thậm chí, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Xây dựng, UBND huyện Yên Lập và các cơ quan có liên quan thành lập đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra Công ty chè Ngọc Đồng.
Do đó, trong lần tái phạm này, UBND tỉnh Phú Thọ xử phạt hành chính công ty chè Ngọc Đồng 300 triệu đồng, đồng thời yêu cầu công ty này chấm dứt ngay hành vi vi phạm và thực hiện các biện pháp để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Trước đó, UBND huyện Thanh Sơn đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và đầu tư Thành Công 22,5 triệu đồng do đã có hành vi tự ý chuyển đổi mục đích 4.802,46m2 đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án khi không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép phê duyệt chủ trương đầu tư. Đồng thời, UBND huyện Thanh Sơn cũng xử phạt số tiền 35 triệu đồng đối với ông Nguyễn Thành Công về hành vi vi phạm triển khai thực hiện dự án khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư.
Hồi cuối năm 2021, người dân trên địa bàn Phú Thọ cũng liên tục phản ánh về tình trạng nhiều đối tượng, doanh nghiệp lợi dụng sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, đã ra sức san hạ nhiều quả đồi để lấy đất bán hoặc đào bới khoáng sản, san lấp hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp để xây dựng nhà xưởng.
Rất nhiều quả đồi, núi bị đào bới nham nhở, ruộng lúa bị san lấp để hạ cốt nền, làm mất đi độ che phủ của đồi núi, gây nên tình trạng sạt lở, ô nhiễm môi trường. (Ảnh minh họa) |
Hậu quả, rất nhiều quả đồi, núi bị đào bới nham nhở, ruộng lúa bị san lấp để hạ cốt nền, làm mất đi độ che phủ của đồi núi, gây nên tình trạng sạt lở, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, không ít ý kiến cho rằng đây chính là hành vi “rút ruột” tài nguyên đất đai, làm thất thu ngân sách.
Xử lý nghiêm việc san ủi đồi núi để phân lô, xây dựng trên đất rừng trái phép
Trước tình trạng doanh nghiệp và cá nhân san ủi và khai thác đất trái phép, chính quyền tỉnh Phú Thọ đã liên tục ban hành, đôn đốc và ra nhiều văn bản để chấn chỉnh và ngăn chặn các hành vi sai phạm.
Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cho biết, hằng năm, ngành thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tình trạng khai thác đất, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Vì thế, tất cả các vụ việc vi phạm đều bị xử lý và đình chỉ khai thác, nhưng hình thức xử lý vẫn thường dừng lại ở mức xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe.
Mặc dù vậy, Sở này cho biết, họ gặp nhiều khó khăn bởi các cá nhân thường lợi dụng việc san hạ cốt nền, rồi khai thác khoáng sản trái phép. Nhưng công tác kiểm soát tình trạng vừa nêu còn nhiều trở ngại, thách thức. Bởi lẽ, hoạt động san hạ cốt nền và san lấp ruộng thuộc thẩm quyền của UBND huyện.
Liên quan đến việc san ủi đất đồi trái phép, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 05 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất rừng trái quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh tình trạng và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất rừng trái quy định của pháp luật. |
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định nhằm quản lý chặt chẽ đất đai, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất rừng trái quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Chỉ đạo hỗ trợ các địa phương điều tra, xử lý nghiêm các vụ án hình sự trong lĩnh vực lâm nghiệp đặc biệt là các hành vi hủy hoại rừng...