Học giả Trung Quốc kêu gọi kế hoạch phá hủy vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các chuyên gia của Viện Theo dõi và Công nghệ Viễn thông ở Bắc Kinh đã kêu gọi phát triển một loại vũ khí "tiêu diệt cứng" để phá hủy hệ thống vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk của Mỹ nếu nó đe dọa đến an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Học giả Trung Quốc kêu gọi kế hoạch phá hủy vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk ảnh 1

Một tên lửa SpaceX Falcon 9 mang theo 48 vệ tinh Internet Starlink phóng từ SLC-40 tại Căn cứ Lực lượng Không gian Cape Canaveral ở Florida, Mỹ vào ngày 9/3 năm 2022.

Các chuyên gia của Viện Theo dõi và Công nghệ Viễn thông ở Bắc Kinh đã chú ý đến "tiềm năng khổng lồ cho các ứng dụng quân sự" của Starlink và sự cần thiết của Trung Quốc trong việc phát triển các biện pháp đối phó để khảo sát, vô hiệu hóa hoặc thậm chí phá hủy siêu vệ tinh đang phát triển. Một bài viết của họ đã được xuất bản vào tháng trước trên tạp chí Công nghệ Quốc phòng Hiện đại của Trung Quốc.

Starlink là một mạng internet vệ tinh băng thông rộng được phát triển bởi công ty SpaceX của Elon Musk nhằm mục đích truyền truy cập internet cho khách hàng ở mọi nơi trên thế giới (miễn là họ có một đĩa vệ tinh Starlink để kết nối với các vệ tinh).

Kể từ khi các vệ tinh Starlink đầu tiên được phóng vào năm 2019, SpaceX đã đưa hơn 2.300 vệ tinh vào quỹ đạo Trái đất tầm thấp và công ty này có kế hoạch gửi tới 42.000 vệ tinh vào vũ trụ để tạo thành một siêu sao khổng lồ.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đặc biệt lo ngại về khả năng quân sự tiềm tàng của chòm sao mà họ cho rằng có thể được sử dụng để theo dõi tên lửa siêu thanh; tăng đáng kể tốc độ truyền dữ liệu của máy bay không người lái và máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ; hoặc thậm chí húc vào và phá hủy các vệ tinh của Trung Quốc.

Trung Quốc đã có một số lần suýt đụng độ vệ tinh Starlink, họ đã viết thư cho Liên Hợp Quốc để phàn nàn rằng, trạm vũ trụ của Trung Quốc buộc phải thực hiện các cuộc điều động khẩn cấp để tránh "đụng độ gần" với vệ tinh Starlink vào tháng 7 và tháng 10 năm 2021.

Các nhà nghiên cứu do Ren Yuanzhen, một nhà nghiên cứu tại Viện Theo dõi và Công nghệ Viễn thông Bắc Kinh, dẫn đầu cho biết: “Nên áp dụng sự kết hợp giữa các phương pháp tiêu diệt mềm và cứng để làm cho một số vệ tinh Starlink mất chức năng và phá hủy hệ điều hành của nó.”

Tiêu diệt cứng và tiêu diệt mềm là hai loại vũ khí vũ trụ, trong đó tiêu diệt cứng là vũ khí tấn công mục tiêu của chúng (như tên lửa) và tiêu diệt mềm bao gồm vũ khí gây nhiễu và vũ khí laser.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đã có nhiều phương pháp để vô hiệu hóa vệ tinh bao gồm các thiết bị gây nhiễu vi sóng có thể làm gián đoạn liên lạc ; tia laser mạnh mẽ, độ phân giải milimet có thể thu được hình ảnh có độ phân giải cao và cảm biến vệ tinh mù; vũ khí mạng để xâm nhập vào mạng vệ tinh; và tên lửa chống vệ tinh (ASAT) tầm xa để tiêu diệt chúng. Nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng, những biện pháp này, vốn có hiệu quả đối với các vệ tinh riêng lẻ, sẽ không đủ để đánh bại Starlink.

Các nhà nghiên cứu viết: "Chòm sao Starlink tạo thành một hệ thống phi tập trung. Cuộc đối đầu không phải là về các vệ tinh riêng lẻ, mà là toàn bộ hệ thống". Các nhà nghiên cứu cũng vạch ra một cuộc tấn công vào hệ thống Starlink với chi phí thấp, hiệu quả cao.

Vẫn chưa rõ chính xác những biện pháp này là gì. Các nhà nghiên cứu đề xuất rằng, Trung Quốc nên chế tạo các vệ tinh do thám của riêng mình để theo dõi Starlink tốt hơn; tìm những cách mới và cải tiến để hack hệ thống của nó; và phát triển các phương pháp hiệu quả hơn để hạ gục nhiều vệ tinh trong mạng.

Điều này có thể có nghĩa là triển khai laser, vũ khí vi sóng hoặc các vệ tinh nhỏ hơn có thể được sử dụng để vây bắt các vệ tinh của Starlink. Trung Quốc cũng đang tìm cách cạnh tranh trực tiếp với Starlink thông qua việc phóng mạng vệ tinh của riêng mình gọi là Xing Wang, hay Starnet, cũng nhằm mục đích cung cấp truy cập internet toàn cầu cho khách hàng trả tiền.

Trung Quốc có thể đang xem xét các cách khác để chống lại Starlink vì tên lửa ASAT tạo ra điều kiện nguy hiểm cho tất cả các quốc gia hoạt động trong vũ trụ, nhất là các mảnh vụn do chúng tạo ra hay còn gọi là rác vũ trụ.

Theo Live Science
MỚI - NÓNG