Không xứng tầm
Vừa qua, dư luận xôn xao với luận án tiến sĩ “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La” của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh tại Viện Khoa học Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bằng tiến sĩ đã thực sự mất giá? |
Trao đổi với báo chí, ông Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao, xác nhận đề tài này được hướng dẫn và bảo vệ tại viện. Nội dung đề tài được công bố vào tháng 12/2021 và nghiệm thu thành công cấp viện vào ngày 19/1. Nói về tính thực tiễn và chất lượng của luận án tiến sĩ này, ông Hiếu khẳng định đề tài được hội đồng thẩm định qua nhiều vòng, có đầy đủ thủ tục và biên bản nghiệm thu đúng quy định.
TS Lê Văn Út, trường ĐH Tôn Đức Thắng nêu quan điểm hình như có sự nhầm lẫn giữa đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ với các công việc thuộc nhiệm vụ của các cá nhân/tổ chức nhận lương từ ngân sách phải làm hàng ngày. Chuyện phát triển đánh cầu lông trong công chức là việc làm hiển nhiên và không có gì là phức tạp, thuộc trách nhiệm của các cơ quan/tổ chức của viên chức hay của các hội/đoàn để nâng cao sức khoẻ cho công chức, không cần phải nghiên cứu.
Ngoài luận án tiến sĩ về cầu lông của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh, theo tìm hiểu của phóng viên trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT còn có ít nhất 6 luận án liên quan đến lĩnh vực cầu lông ở các cơ sở đào tạo trên cả nước đã được công bố từ năm 2018 đến nay.
Cụ thể “Nghiên cứu xây dựng chương trình và tổ chức luyện tập ngoại khóa cầu lông cho học sinh THPT thành phố Tuyên Quang” của nghiên cứu sinh Nguyễn Mỹ Việt tại trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh, năm 2021; “Nghiên cứu xây dựng mô hình nữ vận động viên cầu lông cấp cao Việt Nam” của nghiên cứu sinh Lương Thành Tài tại Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, năm 2021; “Nghiên cứu đổi mới chương trình giảng dạy cho sinh viên chuyên sâu cầu lông ngành giáo dục thể chất theo học chế tín chỉ tại trường ĐH Cần Thơ” của nghiên cứu sinh Châu Hoàng Cầu tại trường ĐH Thể dục thể thao TPHCM năm 2020; “Nghiên cứu xây dựng chương trình tập luyện ngoại khóa môn cầu lông cho sinh viên đại học khối các trường kỹ thuật thành phố Thái Nguyên” của nghiên cứu sinh Nguyễn Trường Giang tại trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh, năm 2019; “Nghiên cứu mô hình câu lạc bộ cầu lông trong một số trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội” của nghiên cứu sinh Lê Thanh Hà, trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh, năm 2018; “Nghiên cứu lựa chọn bài tập nâng cao hiệu quả giảng dạy kỹ thuật tay cho sinh viên chuyên ngành cầu lông khoa sư phạm thể dục Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh” của nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Thạch, trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh, năm 2018.
Công nghệ nhân bản luận án tiến sĩ
Bên cạnh đó, còn hàng loạt các luận án tiến sĩ liên quan đến giảng dạy giáo dục thể chất cho sinh viên tại các trường ĐH. Điều đáng nói, một số luận án na ná nhau, chỉ khác nhau tên trường. Ví dụ luận án “Cải tiến chương trình Giáo dục thể chất cho sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội” và luận án “Nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác Giáo dục thể chất các trường thành viên Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh”. Hay luận án “Nghiên cứu xây dựng chương trình thể thao nâng cao cho sinh viên Đại học Thái Nguyên”…
TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia, cho hay đánh giá một luận án tiến sĩ không thể dựa vào tên của luận án. TS Phạm Hiệp thông tin, ở nước ngoài cũng có luận án tiến sĩ nghiên cứu về cầu lông.
Tuy nhiên, theo ông các luận án khiến dư luận băn khoăn cơ bản thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội. TS Phạm Hiệp nhận xét các đề tài này thường yếu ở 3 vấn đề: phương pháp nghiên cứu thô sơ; dữ liệu không đủ mạnh; nền tảng của người viết không vững. Ông lấy ví dụ trong những đề tài có tên gọi na ná nhau, có nhiều đề tài nội dung viết giống nhân bản như “cừu đô li”; công trình viết sau không có tính chất ngoại suy, không đi sâu vào phân tích, khai thác dữ liệu so với công trình viết trước.
Đứng ở góc độ này, TS Phạm Hiệp cho rằng cần phải xem xét lại các Hội đồng chấm Luận án tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo. Vì theo quy định, các Hội đồng này phải yêu cầu nghiên cứu sinh trả lời được tính mới của vấn đề, đã có những đề tài nào nghiên cứu liên quan… Các Hội đồng bỏ qua khâu này sẽ dẫn đến tình trạng hàng loạt luận án cùng một khuôn đúc như trên.
Bên cạnh đó, TS Phạm Hiệp cũng cho hay, các luận án tiến sĩ bị dư luận “soi” trong thời gian vừa qua thuộc các khoá tuyển sinh trước khi thông tư 08 về quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ ban hành năm 2017.
“Với yêu cầu các nghiên cứu sinh phải có ít nhất một bài báo đăng trên tạp chí quốc tế liên quan đến luận án tiến sĩ, thông tư 08 đã hạn chế được những luận án chỉ ở tầm báo cáo khoa học”, TS Hiệp chia sẻ. Tuy nhiên, với thông tư 18 thay thế thông tư 08 vừa được Bộ GD&ĐT ban hành năm 2021, TS Phạm Hiệp cho rằng câu chuyện luận án tiến sĩ lại quay về tình trạng nhân bản như vừa qua.
TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên nhóm tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo nhận định, một đề tài luận án tiến sĩ phải đáp ứng nhiều tiêu chí, trong đó là tính mới, tính độc lập là quan trọng nhất. Cái mới phải mang tính phát hiện, không phải trước đây làm đề tài này ở tỉnh A nay chuyển sang tỉnh B là mới, nay nghiên cứu về bóng đá, mai nghiên cứu về cầu lông đã là mới. Những đề tài nghiên cứu kiểu công nghiệp, sao chép, copy-paste cần được loại bỏ ngay lập tức.
Tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia năm 2022, một số đề tài của học sinh đoạt giải nhất được đánh giá có quy mô ngang tầm luận án tiến sĩ như: Dự án “Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây Lá khôi (Ardisia gigantifolia)” (Đào Xuân Minh, Nguyễn Lê Cường - THPT chuyên Thái Nguyên), lĩnh vực Sinh học tế bào và phân tử. Dự án “Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lý ô nhiễm môi trường của g-C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt” (Đỗ Minh Quân, Nguyễn Thiên Lương - THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam), lĩnh vực Hóa học… Trong khi đó, một số luận án tiến sĩ lại được đánh giá chưa thực sự xứng tầm.