Phản biện độc lập luận án tiến sĩ: Còn nhiều băn khoăn

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dự thảo Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dự thảo Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ
TP - Theo quy định, luận án tiến sĩ phải được phản biện độc lập (phản biện kín) trước khi được đưa ra bảo vệ ở hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở đào tạo. Quy định này tiếp tục được đưa vào dự thảo Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến. 

Nhằm chú trọng mở rộng quyền tự chủ và nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo cùng với việc sửa đổi bổ sung các quy chế đào tạo trình độ đại học và trình độ thạc sĩ, Bộ GD&ĐT đã rà soát Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ để đảm bảo tính thống nhất và sự phù hợp của các quy chế trong hệ thống văn bản liên quan giáo dục đại học. Căn cứ quy chế này, các cơ sở đào tạo chi tiết hóa thành quy định riêng phù hợp điều kiện cụ thể của từng trường, nhưng không được thấp hơn những quy định trong quy chế.

Một trong những nội dung mà các chuyên gia băn khoăn trong dự thảo Quy chế là yêu cầu phản biện độc lập luận án trước khi được đưa ra bảo vệ tại Hội đồng cơ sở. Theo GS.TS Đặng Ứng Vận, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Hóa, phản biện độc lập đối với luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh là quy định bắt buộc ở một số nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, quy trình này trước đây được coi là kín thì giờ gần như “hở”  toàn bộ. GS Vận cho rằng, hiện nay, với quy định nghiên cứu sinh phải có bài báo quốc tế, chúng ta đã tương đối yên tâm vì có phản biện của các tạp chí nước ngoài. Tuy nhiên, cũng cần phải tham chiếu, vì có những tạp chí có uy tín, nhưng cũng có những tạp chí không được công nhận. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần phải quy định rõ hơn công bố ở những khu vực tạp chí nào để không gây tranh cãi về sau.

“Tôi từng là người phản biện kín, chưa nói đến chuyện thông tin của mình có bị ‘lộ’ hay không, nhưng vì giới khoa học của Việt Nam chỉ nhỏ nhỏ, nên khi đọc luận án của nghiên cứu sinh là biết ngay học trò của ai”, GS Vận nói. Theo ông, cách tốt nhất để các luận án đạt chất lượng là nên có sự tham gia phản biện độc lập của chuyên gia nước ngoài. GS Vận từng được nước ngoài gửi luận án đến xin ý kiến phản biện kín.

“Tuy nhiên, đó là mong muốn, cần làm từng bước. Vấn đề chính vẫn từ phía cơ sở đào tạo. Nếu làm nghiêm túc, đầy đủ sẽ hạn chế được tiêu cực, đảm bảo tính khách quan. Ở Việt Nam, các quy định luôn chặt chẽ, nhưng khi thực hiện lại có sự vận dụng ‘linh hoạt’”, ông Vận nói.

Tránh tình trạng “thầy bói xem voi”

Chia sẻ trên báo chí, PGS Ngô Tứ Thành cho biết, cách đây 20 năm, khi Bộ GD&ĐT còn đang quản lý nghiên cứu sinh, đã xảy ra trường hợp hi hữu. Có một phản biện kín, do không hiểu luận án nhưng lại yêu cầu nghiên cứu sinh chỉnh sửa luận án theo cách hiểu sai của phản biện. Thời gian sửa gần 1 năm mà phản biện kín vẫn bảo thủ không đồng ý cho nghiên cứu sinh bảo vệ tiếp. Nghiên cứu sinh và giáo viên hướng dẫn phải gửi đơn kiện lên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu công khai tên người phản biện để đối chất và đích thân Bộ trưởng đứng ra phân xử.

Do đó, theo PGS Ngô Tứ Thành, người phản biện cho dù có giỏi thế nào cũng không thể hiểu hết tất cả các hướng chuyên sâu khoa học của người khác. Luận án tiến sĩ là sáng tạo, đóng góp cái mới cho kho tàng khoa học của nhân loại của riêng tác giả mà người làm khoa học khác không có. Người phản biện kín do “giấu mặt”, không được tiếp xúc, tương tác với nghiên cứu sinh và tập thể hướng dẫn nên rất khó để hiểu đúng luận án tiến sĩ. Không thể hiểu được ý tưởng khoa học của luận án nếu giáo sư, phó giáo sư phản biện chỉ đọc quyển luận án khô cứng in trên giấy.

Thậm chí có ngành khoa học, người phản biện sẽ không hiểu luận án nếu không trao đổi trực tiếp với tác giả luận án trong phòng thí nghiệm của cơ sở đào tạo. Trong trường hợp đó, giáo sư, phó giáo sư phản biện như “thầy bói xem voi”.

TS Phạm Hiệp, một người Việt làm nghiên cứu sinh tại Đài Loan (Trung Quốc) nói rằng, quy trình phản biện độc lập ở đây khác hoàn toàn với Việt Nam. Nghiên cứu sinh được biết ai là người chấm luận án của mình, nhưng chỉ được phép gửi luận án qua email, tuyệt đối không được gặp trực tiếp. “Ở nước ngoài không phải không có ‘sạn’, nhưng khi đã phát hiện ra, họ sẽ xử lý đến nơi đến chốn, thậm chí không còn ‘đất sống’ với nghề. Việt Nam có đầy đủ cơ chế, chặt chẽ, nhưng vấn đề là thực thi. Chúng ta luôn có quy định ‘ngầm’ mà mỗi đơn vị đào tạo lại thực hiện khác nhau. Trong khi đó, quy định ‘ngầm’ nhiều khi còn cao hơn quy định chính thức”, TS Hiệp nhận định.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.