Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đối thoại với người trẻ ngày 25/3:

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đối thoại với người trẻ ngày 25/3: Đầu ra cho cán bộ Đoàn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều cán bộ Đoàn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng đến buổi đối thoại của Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn với đoàn viên, thanh thiếu nhi trong và ngoài nước tới đây: Mong có cơ chế, chính sách về phụ cấp tốt hơn, được tạo điều kiện luân chuyển vị trí công việc phù hợp sau khi dành cả thanh xuân cống hiến cho Đoàn.

Chị Đào Thị Hương, Bí thư Đoàn phường Thành Tô (quận Hải An, Hải Phòng): Trăn trở khi quá tuổi Đoàn

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đối thoại với người trẻ ngày 25/3: Đầu ra cho cán bộ Đoàn ảnh 1

Đầu ra cho cán bộ Đoàn là vấn đề tôi luôn đau đáu, trăn trở. Tôi năm nay đã 35 tuổi. Do cơ quan chưa bố trí luân chuyển vị trí công tác phù hợp, nên đợt đại hội vừa rồi, tôi tiếp tục tái cử Bí thư Đoàn phường Thành Tô. Tôi đảm nhận vai trò Phó Bí thư, rồi Bí thư Đoàn phường từ năm 2016 đến nay.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi luôn nỗ lực, nhiệt huyết để hoàn thành tốt nhất công việc của mình và có nhiều sáng kiến trong công tác. Vì thế, tôi vinh dự được T.Ư Đoàn trao tặng Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2022. Đây là nguồn động lực để đội ngũ cán bộ Đoàn như chúng tôi vượt qua mọi khó khăn thử thách, cống hiến nhiều hơn cho công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi.

Tuy nhiên, nếu luân chuyển vị trí công tác chậm, chúng tôi quá tuổi Đoàn mà vẫn chưa được bố trí công việc khác phù hợp, sẽ gây tâm lý lo lắng, bất an. Những cán bộ Đoàn như chúng tôi đã dành cả thanh xuân, tuổi trẻ cống hiến cho Đoàn rồi, vì vậy mong rằng T.Ư Đoàn, cùng các cấp bộ, ngành tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi để chúng tôi được luân chuyển vị trí công việc phù hợp khi quá tuổi Đoàn.

Chị Giáp Thị Duệ, Bí thư Đoàn xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên (Bắc Giang): Tìm giải pháp đoàn kết, tập hợp thanh niên

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đối thoại với người trẻ ngày 25/3: Đầu ra cho cán bộ Đoàn ảnh 2

Hiện tôi quản lý 745 ĐVTN, trong đó gần 400 là học sinh, sinh hoạt 2 chiều rất tốt. Tuy nhiên, bộ phận còn lại là đi làm ăn xa, làm công nhân tại các doanh nghiệp. Việc đoàn kết, tập hợp họ gặp không ít khó khăn.

Để thu hút, tập hợp các đối tượng ĐVTN tham gia phong trào của Đoàn, chúng tôi phải linh hoạt trong phương thức triển khai, từ việc chọn thời gian buổi tối, cuối tuần đến đa dạng hóa các hoạt động. Tuy nhiên, để làm được điều đó, phụ thuộc vào sự huy động của bí thư Đoàn cơ sở; thanh niên làm việc tại các công ty tham gia rất ít. Chỉ có hoạt động thể dục thể thao là thu hút được đông đảo thanh niên, nhưng hơn 2 năm qua ảnh hưởng của dịch bệnh, rất khó triển khai.

Từ thực tế đó, tôi mong có cơ chế đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, nhằm quy tụ, tập hợp thanh niên một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, tăng phụ cấp cho cán bộ Đoàn thôn, xóm để động viên tinh thần và tạo động lực cho họ làm việc trách nhiệm hơn, tập hợp và phát huy thanh niên tốt hơn.

Ngoài ra, một vấn đề không chỉ riêng tôi mà nhiều cán bộ Đoàn khác đều có chung mong muốn là được luân chuyển vị trí công việc phù hợp khi hết tuổi Đoàn. Đây là một mối lo canh cánh của đội ngũ cán bộ Đoàn cấp cơ sở như chúng tôi.

Anh Đỗ Văn Thành, Bí thư Đoàn phường An Khê (quận Thanh Khê, Đà Nẵng): Cần cơ chế đảm bảo đầu ra cho cán bộ Đoàn

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đối thoại với người trẻ ngày 25/3: Đầu ra cho cán bộ Đoàn ảnh 3

Vấn đề đầu ra đối với cán bộ Đoàn sau khi kết thúc nhiệm kì là tâm tư của nhiều bí thư Đoàn phường. Đối với cán bộ Đoàn, địa phương cũng quan tâm, tạo điều kiện để bố trí việc làm sau khi kết thúc nhiệm kì. Tuy nhiên, vì đặc thù của địa phương, đa phần đều là cán bộ trẻ, qua đại hội Đảng ở cấp phường, các vị trí cán bộ đều đã được bố trí, sắp xếp, nên việc bố trí vị trí cán bộ Đoàn phường gặp khó khăn. Đa phần các đồng chí đều được chuyển sang các vị trí phụ trách văn hóa, xã hội, các vị trí tương đương chứ không có sự phát triển đi lên trong công việc.

Đà Nẵng thực hiện đề án Chính quyền đô thị, yêu cầu về trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí cũng là trở ngại lớn đối với các cựu cán bộ Đoàn phường. Đa phần cán bộ Đoàn cơ sở đều là “tay ngang”, đi lên từ hoạt động phong trào, nên có những trường hợp trình độ chuyên môn không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu. Một vài đồng chí phải sắp xếp thời gian để vừa làm nhiệm vụ cán bộ Đoàn, vừa đi học nâng cao, học thêm bằng cấp, tuy nhiên lại “gặp khó” khi các vị trí tuyển dụng yêu cầu thời gian tốt nghiệp trên 5 năm.

Vào 14h00, ngày 25/3, anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn sẽ đối thoại với đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi trong và ngoài nước, với chủ đề “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên”.

Cán bộ Đoàn đa phần đều là những người có năng khiếu về công tác dân vận, thanh vận, chứ không phải cứ đào tạo là được. Chưa kể, so với nhiều hội, tổ chức đoàn thể khác, Đoàn Thanh niên có đặc thù quy định về độ tuổi không quá 35. Điều này khiến nhiều cán bộ Đoàn khó khăn về đầu ra sau khi hết nhiệm kì. Do vậy, tôi cho rằng, cần có cơ chế riêng, ưu tiên về các điều kiện về bằng cấp hoặc thời gian công tác khi tuyển dụng vào các vị trí khác.

Anh Hồ Hữu Nghị, Bí thư chi Đoàn thôn 6 xã Huy Khiêm (huyện Tánh Linh, Bình Thuận): Hỗ trợ kinh phí cho Đoàn ở thôn, khu phố

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đối thoại với người trẻ ngày 25/3: Đầu ra cho cán bộ Đoàn ảnh 5

Tôi là Bí thư chi đoàn thôn, vừa được Tỉnh Đoàn Bình Thuận tuyên dương cán bộ Đoàn thôn, khu phố tiêu biểu tỉnh năm 2022. Đó là niềm vui, niềm vinh dự của người cán bộ Đoàn vào mỗi dịp 26/3. Tuy nhiên, để gắn bó với công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi và cống hiến hết mình, mỗi cán bộ Đoàn thôn, khu phố như chúng tôi phải vượt qua rất nhiều khó khăn, làm bằng niềm đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Thực tế, cán bộ Đoàn thôn, khu phố không được hưởng bất cứ đồng lương, trợ cấp nào, chỉ làm vì trách nhiệm. Vì thế, nhiều cán bộ Đoàn ở thôn, khu phố trẻ tuổi, năng động, sáng tạo, nhiệt tình nhưng làm được thời gian lại không gắn bó với Đoàn nữa, vì họ phải lo cơm áo, gạo tiền, cuộc sống gia đình.

Từ thực tế đó, tôi mong rằng T.Ư Đoàn tạo cơ chế hỗ trợ kinh phí cho bí thư, phó bí thư chi đoàn thôn, khu phố nhằm tạo động lực cho họ cống hiến nhiều hơn cho công việc. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ kinh phí hoạt động nhất định cho Đoàn ở thôn xóm, khu phố, bởi nhiều hoạt động ở thôn, xóm, cán bộ Đoàn phải đi xin kinh phí, nếu không phải bỏ tiền túi ra.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.