Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Nghị quyết đưa ra quan điểm như vậy là rất đúng và hợp lí. Tuy nhiên, chúng ta cần nghiên cứu và căn cứ tình hình dịch bệnh cũng như khả năng đáp ứng cả về khoa học và thực tiễn để xây dựng kế hoạch chuyển đổi bệnh nhóm A (đặc biệt nguy hiểm) sang nhóm B (nguy hiểm) làm sao để vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa làm được kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên cơ sở đặt sức khỏe và tính mạng người dân lên trên hết”.
TS Phu cho biết, để chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, cần căn cứ vào nhiều yếu tố như thực tế diễn biến dịch, chủng virus đang lưu hành, tổng số ca tử vong/ca mắc, số ca bệnh nặng, nguy kịch, độ bao phủ vắc xin, hiệu quả của thuốc điều trị. Bên cạnh đó phải tính đến khả năng đáp ứng của Việt Nam, gồm khả năng kiểm soát dịch và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế cũng như vấn đề tài chính. “Khi chuyển, phải hình thành kèm theo các chính sách đáp ứng để đảm bảo vừa phát triển kinh tế, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, nhóm người dễ bị tổn thương; cần có chính sách về chi phí khám bệnh, tiêm vắc xin cho người nghèo”, ông Phu đề xuất.
Theo ông Phu, việc xây dựng lộ trình cần nhiều bộ ngành cùng tham gia chứ không chỉ riêng Bộ Y tế. “Do đó phải thành lập các nhóm nghiên cứu, có sự tham gia của các ngành, các cấp, đặc biệt Bộ Y tế, Bộ Tài chính. Bộ Y tế nghiên cứu về dịch bệnh, còn các ngành, các cấp phải cùng nghiên cứu về chính sách. Các chính sách cần sâu sát tới từng địa phương vì mỗi tỉnh thành có điều kiện kinh tế, đáp ứng khác nhau. Một mình Bộ Y tế thì không thể làm được”, ông Phu nói thêm.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, để coi là bệnh dịch lưu hành, điều kiện tiên quyết là dịch ổn định, không biến động lớn về ca mắc, ca tử vong. Bên cạnh đó, miễn dịch cộng đồng đạt ở mức cao để ngăn chặn bùng phát dịch diện rộng, hệ số lây nhiễm trở về gần bằng 1. Cùng với đó hệ thống y tế phải đáp ứng được năng lực điều trị, cấp cứu người bệnh mà không bị quá tải. “Yếu tố quan trọng khác là tâm lí người dân đã ổn định, không lo sợ, kĩ năng tự bảo vệ sức khỏe đã được nâng cao”, TS Nga nói.
Chưa nên đưa bệnh nhi về nhóm B
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay: “Chuyển đổi nhóm bệnh từ A sang B liên quan đến số ca mắc và tử vong, nếu tỉ lệ vẫn cao thì mức độ vẫn còn nguy hiểm”.
Các chuyên gia có chung nhận định, nếu đưa COVID-19 vào bệnh truyền nhiễm nhóm B, trong khi dịch bệnh tiếp tục lây nhiễm, vẫn có ca chuyển biến nặng, ca tử vong sẽ gây áp lực lên hệ thống y tế. Đặc biệt, hiệu quả phòng bệnh của vắc xin COVID-19 còn ở mức nhất định, chưa bao phủ đồng đều trên thế giới, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu…
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, một thống kê cho thấy, qua khám cho khoảng 300-400 trẻ nhưng chỉ có 2 hoặc 3 trẻ nhập viện. TS Điển cho hay, với trẻ con tỉ lệ chuyển nặng và nhập viện thấp. Ở các đơn vị tuyến dưới nhiều khi các bác sĩ lo lắng nên cho bệnh nhi nhập viện nhiều chứ thực tế theo tiêu chuẩn nhập viện mà các nước đang áp dụng thì phải có tổn thương và can thiệp điều trị của bác sĩ. “Hiện nay tầng 2 khu điều trị thực tế không chờ trẻ âm tính mới cho xuất viện, chỉ cần trẻ có cơn sốt cao nhưng vẫn đáp ứng thuốc hạ sốt thì nên cho trẻ về nhà theo dõi, chăm sóc thì tốt hơn”, ông Điển nói.
Nếu đánh giá để so sánh với các bệnh truyền nhiễm khác ở lứa tuổi trẻ nhỏ, TS Điển cho rằng, COVID-19 vẫn là bệnh đáng lo ngại nên chưa thể chuyển sang nhóm B. “Hiện nay chưa có vắc xin dành cho đối tượng trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 11 tuổi. Tiếp nữa là tỉ lệ mắc còn rất cao, vẫn có trẻ tử vong liên quan đến bệnh. Hệ thống y tế tại các địa phương phải sẵn sàng, có đơn vị điều trị bệnh COVID-19, có tiêu chuẩn nhập viện cẩn thận để có thể đáp ứng được tốt nguồn vật tư y tế”, TS Điển nói về nguyên nhân chưa nên đưa COVID-19 ở bệnh nhi về nhóm B.