NATO tuyên bố sẽ có thêm biện pháp răn đe để đối phó với Nga

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố liên minh này sẽ có thêm các biện pháp để tăng cường năng lực phòng thủ và răn đe sau khi Nga đưa lực lượng vào Ukraine.
NATO tuyên bố sẽ có thêm biện pháp răn đe để đối phó với Nga ảnh 1

Trước cửa trụ sở của NATO tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: Reuters)

“Chúng tôi đã tiến hành tham vấn theo Điều 4 của Hiệp ước Washington”, NATO cho biết trong thông cáo đưa ra sau cuộc họp của các đại sứ tại Brussels.

“Dựa trên với kế hoạch phòng thủ của mình để bảo vệ các đồng minh, chúng tôi đã quyết định triển khai thêm các biện pháp để tăng cường năng lực răn đe và phòng thủ trên khắp liên minh. Các biện pháp của chúng tôi mang tính phòng ngừa, đối xứng và không leo thang”, tuyên bố nêu rõ.

Trước đó, các nước thành viên NATO gồm Ba Lan, Estonia, Latvia và Lithuania đã kích hoạt Điều 4 của Hiệp ước để tiến hành tham vấn trong liên minh về cách đối phó với chiến dịch mà Nga triển khai ở Ukraine.

Điều 4 của Hiệp ước quy định: “Các bên sẽ tham vấn nhau ở bất kỳ đâu, theo ý kiến của bất kỳ ai, khi sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hay an ninh của bất kỳ bên nào tham gia Hiệp ước bị đe doạ”.

Theo thông tin trên trang web của NATO, việc tham vấn theo Điều 4 có thể dẫn đến hành động tập thể của 30 quốc gia thành viên.

Thông tin trên trang web cho biết trước đây Điều 4 đã được kích hoạt 4 lần kể từ khi NATO được thành lập vào năm 1949, gần đây nhất là được Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt vào tháng 2/2020, sau khi vài chục lính của nước này thiệt mạng trong cuộc tấn công của lực lượng chính phủ Syria ở vùng lãnh thổ do phe đối lập kiểm soát ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt Điều 4 trong 4 lần: Một lần vào năm 2015 để thông báo cho liên minh về hành động đáp trả các vụ tấn công khủng bố vào nước này; 2 lần vào năm 2012 sau khi một máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn rơi ở miền bắc Syria; một lần vào năm 2003 khi Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị NATO giúp đỡ để bảo vệ người dân trước nguy cơ chiến tranh lan ra từ nước láng giềng Iraq.

Vào 2 trong số những lần đó, NATO đã hồi đáp bằng viện trợ quân sự, đưa hệ thống tên lửa Patriot để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ trước các cuộc tấn công từ Syria vào năm 2012, đưa máy bay và tên lửa đến miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi giáp biên giới với Iraq vào năm 2003.

Ba Lan kích hoạt Điều 4 vào năm 2014 vì diễn biến ở Ukraine. Một cuộc họp diễn ra sau đó đã dẫn đến những nỗ lực nhiều hơn nữa của NATO để sát cánh đối phó với bất kỳ mối đe doạ nào.

Điều 4 tách biệt với Điều 5. Điều 5 tuyên bố rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào một nước thành viên cũng bị coi là tấn công vào tất cả liên minh.

Theo Reuters, CNN
MỚI - NÓNG