Bắp cải chữa nhiều bệnh tuyệt vời nhưng cũng là 'thuốc độc' với một số người

0:00 / 0:00
0:00
TPO - 4 nhóm người được khuyến cáo nên hạn chế ăn rau bắp cải, hoặc có ăn chỉ một lượng nhỏ, đó là: người bị bướu cổ, người mắc bệnh thận, người có hệ tiêu hóa kém...

Phải nói rằng vào mùa Đông, bắp cải là một trong những loại rau "quốc dân" được mọi gia đình đều yêu thích. Ưu điểm nhất là thời tiết càng lạnh, bắp cải càng cuộn chặt, ăn càng giòn, càng ngọt. Đây không chỉ là món ăn ngon mà còn đem nhiều tác dụng với sức khỏe.

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, bắp cải cung cấp rất nhiều dinh dưỡng mà một người cần trong ngày để hoạt động, phát triển, nâng cao miễn dịch, đó là: canxi, phốt pho, sắt, carotene, protein, carbohydrate, vitamin và một lượng lớn chất xơ.

Thành phần dinh dưỡng và lượng vitamin trong bắp cải nhiều gấp 4,5 lần so với cà rốt và 3,6 lần so với khoai tây. Ngoài ra, vitamin A và P trong cải bắp kết hợp với nhau làm cho thành mạch máu bền vững hơn…

Trong cải bắp còn có các chất chống ung thư như sulforaphane, phenethyl isothiocyanate và indol-33 carbinol và còn rất nhiều tác dụng của bắp cải khác mà chúng ta ít biết tới.

Lợi ích bắp cải với sức khoẻ

Ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Các chất chứa trong cải bắp có tác dụng làm giảm quá trình đồng hóa glucid và giảm đường huyết, vì thế có tác dụng phòng bị tiểu đường tuýp 2. Với những người bị tiểu đường có thể bổ sung thêm bắp cải hàng ngày.

Tác dụng giảm cân hiệu quả

Với những chị em đang có ý định giảm cân thì rau bắp cải có tác dụng ngăn chặn glucid chuyển hóa thành lipid (chất béo) là một trong những nguyên nhân gây tăng cân, béo phì. Bạn có thể luộc rau bắp cải và uống cả nước, ăn cả rau. Sử dụng món ăn này hàng ngày sẽ giúp bạn giảm cân hiệu quả.

Ngăn ngừa bệnh ung thư

Theo nghiên cứu đa phần các loại rau họ cải đều có tác dụng phòng bệnh ung thư cực tốt trong đó có bắp cải. Mỗi tuần ăn rau bắp cải 3-4 lần có tác dụng giảm nguy cơ ung thư dạ dày, ung thư ruột, ung thư bàng quang và ung thư tiền liệt tuyến. Nhưng bắp cải chứa một lượng chất goitrin, chất này có tác dụng chống oxy hóa nhưng không tốt đối với rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ vì thế, với những người này nên hạn chế ăn rau bắp cải.

Phụ nữ mỗi tuần ăn 2-3 lần rau bắp cải dưới dạng luộc, ăn sống, sẽ làm giảm nguy cơ ung thư vú 20% so với những người chỉ ăn loại rau này vài lần/tháng. Lý do, trong rau bắp cải còn chứa hoạt chất indol có tác dụng phòng chống ung thư vú.

Cải bắp trị đau họng

Mùa đông, thời tiết lạnh làm cho bạn dễ bị đau họng. Khi đó bạn hãy uống hỗn hợp nước bắp cải và củ cải cho thêm chút mật ong nửa giờ trước bữa ăn. Bạn sẽ thấy tác dụng nhanh chóng, các cơn ho sẽ giảm đi nhanh nhất.

Cải bắp trị mụn nhọt và vết sâu bọ đốt

Trong bắp cải có chứa kháng sinh nên có thể dùng bắp cải để đắp lên vết mụn nhọt và vết sâu bọ đốt. Vì thế, khi bị mụn nhọt hoặc bị sâu bọ đốt, hãy giã lá bắp cải ra và đắp lên, sẽ thấy hiệu quả nhanh chóng.

Những người nên hạn chế tối đa ăn rau bắp cải

Người bị bướu cổ, cường giáp

Bắp cải là một loại rau chứa nhiều dinh dưỡng, trong đó chứa cả goitrin - một chất có tác dụng chống ôxy hóa nhưng lại có thể gây bướu cổ. Chính vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia y tế là người bị rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ không nên ăn bắp cải vì nếu không sẽ làm tuyến giáp hoặc bướu cổ phù to ra.

Nếu vẫn muốn ăn, nhóm người này chỉ ăn bắp cải số lượng nhỏ, khoảng 2 bữa mỗi tuần là an toàn. Nên ngâm rửa từng và thái nhỏ, để khoảng 10-15 phút rồi mới chế biến để goitrin bị phân hủy hết.

Người hệ tiêu hóa kém

Ưu điểm của bắp cải là chứa nhiều chất xơ, hỗ trợ nhuận tràng, ngừa táo bón... Tuy nhiên người đang tiêu chảy nếu ăn nhiều loại rau này có thể khiến tình trạng thêm trầm trọng, khó điều trị hơn.

Ngoài ra, rau bắp cải dễ sinh khí, có thể gây đầy bụng nếu ăn sống vì vậy những người bị đau dạ dày, hay bị chướng bụng, đầy hơi nên hạn chế ăn bắp cải sống, tốt nhất nên làm chín trước khi ăn.

Người bị bệnh thận, phải chạy thận

Theo nghiên cứu, bắp cải là loại rau chứa khá nhiều axit oxalic. Khi được tiêu thụ quá nhiều, lượng axit oxalic này có thể kết hợp với các chất dinh dưỡng cần thiết bên trong cơ thể như canxi, mangiê, sắt, kali... tạo thành các muối oxalat.

Oxalat calci có thể lắng đọng ở thận, có thể làm tăng khả năng hình thành sỏi ở thận, gây ra sỏi thận. Chính vì vậy những người đang bị suy thận nặng, phải chạy thận nhân tạo không nên dùng bắp cải. Người có tiền sử sỏi thận nên hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng ăn bắp cải phù hợp.

Với người khỏe mạnh, khi ăn bắp cải nên cắt nhỏ và nấu kỹ để giảm thiểu lượng axit oxalic trong loại rau này.

Người tạng hàn

Theo đông y, bắp cải có tính hàn, do vậy những ai yếu người, lạnh tay chân hay gặp các vấn đề liên quan đến phong hàn không nên ăn bắp cải vì sẽ làm bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn ăn bắp cải thì có thể cho thêm một nhánh gừng đập dập và luộc cùng bắp cải sẽ khiến trung hòa bớt tính hàn có trong bắp cải.

Người bị táo bón

Đối với người táo bón, tiểu ít thì không nên ăn bắp cải sống hoặc dưa bắp cải muối mà phải nấu chín. Nếu nấu chín bắp cải trước khi ăn, bắp cải lại là một phương thuốc tốt chữa táo bón.

Người bị dị ứng, xuất huyết dưới kết mạc

Trong bắp cải muối chua có chứa histamine, một chất có thể gây ngứa, chảy nước mắt, chảy nước mũi và xung huyết. Vì vậy, những người đang bị dị ứng, xuất huyết dưới kết mạc không nên ăn bắp cải, nhất là bắp cải muối chua, sẽ khiến cho tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

Lưu ý khi chế biến rau cải bắp

- Cải bắp đem lại nhiều lợi ích hơn nếu chúng ta ăn sống. Ăn sống sẽ giữ lại các chất dinh dưỡng trong rau. Hoặc chúng ta nên nấu chín tới rau thay vì nấu chín nhừ để đảm bảo không bị mất các chất dinh dưỡng trong rau cải bắp.

- Tuyệt đối không nấu cải bắp trong lò vi sóng. Chỉ cần để cải bắp trong lò vi sóng 2 phút cũng sẽ làm mất đi hết những enzyme cần thiết cho sự chuyển hóa glucosinolate thành các hợp chất có khả năng ngăn chặn ung thư.

- Khi luộc hoặc xào cải bắp, bạn không nên để lửa quá lâu, điều này sẽ làm phân hủy hết các chất dinh dưỡng trong rau.

- Ngoài ra bạn có thể uống nước ép rau cải bắp hoặc ăn cải bắp muối. Ăn cải bắp muối rất tốt cho cơ thể, nó cung cấp cho cơ thể nhiều lợi khuẩn.

Thực phẩm 'kỵ' với bắp cải

Dưa chuột ăn cùng bắp cải sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vitamin C.

Bắp cải ăn cùng gan động vật sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng.

Táo "đại kỵ" với bắp cải tím vì sẽ làm ảnh hưởng đến việc hấp thụ các chất dinh dưỡng trong cả hai loại thực phẩm.

Ăn bắp cải cùng với măng cụt sẽ tạo gánh nặng lên hệ tiêu hóa, cũng như giảm giá trị của các chất dinh dưỡng.

MỚI - NÓNG