Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: EPA-EFE |
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hungary - Viktor Orban tại Mátxcơva, ông Putin cho biết phía Mỹ không cân nhắc thực sự nghiêm túc về 3 yêu cầu chính mà Nga đưa ra, bao gồm cả cam kết rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Dương (NATO) không mở rộng thêm về phía Đông và kết nạp Ukraine.
Nga từng nhiều lần tuyên bố việc nước láng giềng Ukraine gia nhập NATO sẽ là “lằn ranh đỏ” đối với Mátxcơva. Đáp lại, NATO khẳng định vấn đề kết nạp thành viên là việc riêng của khối này, không liên quan đến Nga.
Theo Tổng thống Nga Putin, Washington chỉ đề cập đến quyền của một quốc gia trong việc tự do lựa chọn cách thức đảm bảo an ninh của chính họ, bao gồm cả việc gia nhập các liên minh mà họ cho là cần thiết.
Tuy nhiên, ông Putin cho rằng Mỹ đã bỏ ra một nguyên tắc quan trọng khác của an ninh châu Âu, là một quốc gia không được phép tăng cường an ninh của chính mình bằng việc gây nguy hại cho quốc gia khác.
Mátxcơva khẳng định NATO “đã hứa” sẽ không mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự về phía Đông. Nhưng trên thực tế, khối quân sự do Mỹ đứng đầu đã triển khai lực lượng đến các nước Baltic, gần biên giới Nga, ông Putin lưu ý.
Theo ông Putin, các hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đưa đến Ba Lan và Romania có thể được sử dụng để phóng tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào những mục tiêu “nằm sâu hàng nghìn kilomet trong lãnh thổ Nga”.
“Đó chẳng phải là mối nguy cơ đối với chúng ta hay sao?”, ông Putin đặt câu hỏi.
Bình luận về khả năng Ukraine trở thành thành viên NATO, ông Putin nói rằng Kiev có một học thuyết chính thức, được ghi lại bằng văn bản, trong đó đề cập đến ý định giành lại quyền kiểm soát bán đảo Crimea, kể cả bằng các phương tiện quân sự.
“Nếu gia nhập NATO, Ukraine có thể sẽ khơi màn một chiến dịch quân sự trong khu vực. Điều này có thể dẫn đến xung đột Nga - NATO”, ông Putin giải thích. Mátxcơva muốn tránh viễn cảnh đó, đồng thời cũng mong muốn các lợi ích của Nga phải được coi trọng.
Giữa tháng 12 năm ngoái, Nga công bố hai dự thảo đề xuất an ninh gửi Mỹ và NATO. Trong đó, Mátxcơva kêu gọi NATO cam kết không mở rộng thêm về phía Đông, không chấp thuận nguyện vọng gia nhập khối của Ukraine, và sẽ không tiến hành bất cứ hoạt động quân sự chung nào ở Ukraine cũng như các quốc gia Đông Âu khác.
Ngày 26/1, Mỹ gửi thư phản hồi đề xuất an ninh của Nga nhưng yêu cầu Mátxcơva không tiết lộ nội dung cụ thể của văn bản.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết thư phản hồi của Washington đề cập đến các “nguyên tắc cốt lõi” mà nước này quyết tâm duy trì, ví dụ như “chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, và quyền của mỗi quốc gia trong việc tự lựa chọn các thoả thuận an ninh, các liên minh mà họ muốn tham gia”.
Đáp lại, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết phía Mỹ “không đưa ra bất cứ phản hồi tích cực nào” đối với những mối quan ngại của Điện Kremlin.