Mỹ yêu cầu Nga không tiết lộ nội dung thư phản hồi đề xuất an ninh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 26/1, Mỹ gửi thư phản hồi đề xuất an ninh của Nga nhưng yêu cầu Mátxcơva không tiết lộ nội dung cụ thể của văn bản.
Mỹ yêu cầu Nga không tiết lộ nội dung thư phản hồi đề xuất an ninh ảnh 1

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái). Ảnh: Anadolu Agency

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết thư phản hồi của Washington đề cập đến các “nguyên tắc cốt lõi” mà nước này quyết tâm duy trì, ví dụ như “chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, và quyền của mỗi quốc gia trong việc tự lựa chọn các thoả thuận an ninh, các liên minh mà họ muốn tham gia”.

Một số vấn đề khác được đề cập trong thư bao gồm “các biện pháp tăng cường lòng tin liên quan đến những cuộc tập và diễn tập quân sự ở châu Âu”, cũng như “kiểm soát vũ khí liên quan đến tên lửa ở châu Âu" và một thoả thuận tiếp nối Hiệp ước START. Năm ngoái Mỹ và Nga quyết định gia hạn Hiệp ước START mới thêm 5 năm, nghĩa là thỏa thuận cắt giảm vũ khí duy nhất còn lại giữa hai quốc gia sẽ hết hạn vào tháng 2/2026.

Tuy nhiên, ông Blinken cho biết sẽ không cung cấp thông tin chi tiết về thư phản hồi của Washington vì “các biện pháp ngoại giao có cơ hội thành công cao nhất khi chúng ta tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán kín”. Ông Blinken khẳng định Mỹ sẵn sàng đối thoại nhưng chỉ khi Nga “giảm leo thang căng thẳng với Ukraine”.

Động thái này của Mỹ trái ngược hoàn toàn với Nga. Trước đó, trả lời phỏng vấn cuối tháng 12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Điện Kremlin chủ động công bố nội dung bản đề xuất an ninh gửi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để ngăn các quốc gia phương Tây phớt lờ văn bản này, hoặc rò rỉ nội dung văn bản một cách có chọn lọc. “Chúng tôi chủ động công khai đề xuất của mình bởi chúng tôi biết phương Tây có thể tung hoả mù về những vấn đề mà họ cảm thấy không thoải mái. Chúng tôi nghi ngờ rằng các điều khoản chính trong đề xuất của chúng tôi, cụ thể là yêu cầu NATO cam kết không mở rộng về phía Đông, sẽ bị phớt lờ.”

Bất chấp tuyên bố ủng hộ ngoại giao, ông Blinken cho biết số vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Ukraine trong năm 2022 cao hơn so với bất cứ năm nào trước đó. Mỹ cũng uỷ quyền cho các đồng minh NATO đưa vũ khí tới quốc gia Đông Âu, và đặt hàng nghìn binh sĩ vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu để đề phòng trường hợp có xung đột giữa Nga và Ukraine.

Tuần trước, ông Blinken đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov để thảo luận về các đề xuất an ninh của Mátxcơva. Nhưng phía Mỹ tuyên bố sẽ không đưa ra bất cứ nhượng bộ nào đối với Nga nếu không có lợi cho cả đôi bên.

Ngoại trưởng Mỹ nói thêm rằng ông hy vọng có thể tiếp tục đối thoại với người đồng cấp Nga trong những ngày tới.

Tháng trước, Nga công bố hai dự thảo đề xuất an ninh gửi Mỹ và NATO. Trong đó, Mátxcơva kêu gọi NATO cam kết không mở rộng thêm về phía Đông, không chấp thuận nguyện vọng gia nhập khối của Ukraine, và sẽ không tiến hành bất cứ hoạt động quân sự chung nào ở Ukraine cũng như các quốc gia Đông Âu, Trung Á khác.

Theo RT
MỚI - NÓNG