Chia sẻ bất ngờ của nữ sinh viên vừa ẵm giải cao về Khoa học và công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Vũ Thị Quỳnh Mai trong lễ tuyên dương Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương.
Sinh viên Vũ Thị Quỳnh Mai trong lễ tuyên dương Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương.
TPO - Những ngày cuối năm 2021, niềm vui đến với sinh viên Vũ Thị Quỳnh Mai, lớp K63 Tiên tiến Hoá học, Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội khi em nhận được tin giành giải Nhì ở “Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học năm 2021”.

Đề tài của sinh viên Vũ Thị Quỳnh Mai là "Adsorption characteristics of synthesized polyanion onto alumina nanoparticles and the application in fluoroquinolone antibiotics removal", dịch ra tiếng Việt là: Nghiên cứu đặc tính hấp phụ của polyanion tổng hợp trên vật liệu nano alpha nhôm oxit và ứng dụng trong xử lý kháng sinh levofloxacin (LFX) và ciprofloxacin (CFX).

Dù bận rộn với việc thi học kỳ cũng như công việc trên lab, Mai vẫn giành thời gian chia sẻ về công việc nghiên cứu khoa học cũng như những điều thú vị liên quan đến lĩnh vực Hóa học.

Chia sẻ bất ngờ của nữ sinh viên vừa ẵm giải cao về Khoa học và công nghệ ảnh 1

Vũ Thị Quỳnh Mai đang làm việc trên lab khoa Hóa học, Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN.

- Cảm giác của em khi biết tin mình được giải Nhì ở Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học năm 2021?

Khi bắt đầu làm nghiên cứu khoa học, em đã vạch ra những mục tiêu nhất định và cố gắng hết sức để đạt được điều đó, và ước mơ đạt được giải thưởng trong cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học các cấp” là một trong những mục tiêu của em đề ra.

Nhận được tin đạt giải Nhì “Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học năm 2021”, em vô cùng bất ngờ và hạnh phúc. Em đã chia sẻ ngay niềm vui này với thầy giáo hướng dẫn và bố mẹ em – những người luôn ủng hộ, động viên em trong suốt quá trình chuẩn bị cho cuộc thi.

Em có thể chia sẻ rõ hơn về đề tài cũng như kết quả nghiên cứu của mình?

Các loại kháng sinh trong nước thải bệnh viện chưa được xử lý cẩn thận mà đã thải ra ngoài khiến môi trường nước bị ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng tới đời sống của người dân, đặc biệt là người dân sống gần khu vực đó.

Vì vậy, dưới sự hướng dẫn của thầy TS. Phạm Tiến Đức, em đã bắt đầu nghiên cứu, tìm cách để giảm thiểu lượng kháng sinh trong nước thải bệnh viện xuống, tránh gây ô nhiễm nguồn nước. Sau khi làm thí nghiệm rất nhiều lần, hiệu suất xử lý 2 loại kháng sinh LFX và CXF luôn cao trên 80%. Kết quả nghiên cứu của em đã cho thấy vật liệu nano alpha nhôm oxit biến tính là loại vật liệu có tiềm năng để xử lý kháng sinh trong môi trường nước.

“Nhiều người nghĩ Hoá học là một môn khoa học rất khó, khô khan nhưng đối với em, Hoá học là một môn rất thú vị, giúp em giải thích được rất nhiều hiện tượng xung quanh mình. Đơn giản bởi vì mọi thứ trên trái đất đều liên quan đến Hóa học. Em luôn nghĩ rằng nếu chúng ta học chắc Hóa và có nền tảng vững chắc thì chúng ta sẽ nắm bắt được cách mọi thứ hoạt động như thế nào. Với các bạn học sinh, nếu cho rằng Hóa không cần thiết thì sẽ luôn bị bỏ lại phía sau bởi khi lớn lên, bạn sẽ không thể giải thích được những hiện tượng xung quanh đời sống của mình”- Vũ Thị Quỳnh Mai chia sẻ.

Có rất nhiều nhóm nghiên cứu. Tại sao em nghiên cứu một mình mà không phải theo nhóm?

Khi em mới vào nhóm nghiên cứu, thầy hướng dẫn của em đã hướng em làm nghiên cứu một mình và đặt rất nhiều niềm tin vào em. Khi được giao đề tài và làm nghiên cứu một mình, lúc đầu em rất lo lắng, bối rối không biết bắt đầu từ đâu. Quả thực, ban đầu, em đã gặp rất nhiều lỗi sai. Rất nhiều lần em phải ở lại phòng thí nghiệm làm tới tối muộn mà kết quả vẫn thất bại. Sau nhiều lần như vậy, em buộc phải tự tìm ra vấn đề để cải thiện.

Sau những bỡ ngỡ ban đầu, mỗi khi đến phòng thí nghiệm, em quan sát các thao tác của thầy hướng dẫn và các anh chị trong lab rồi học hỏi từng bước một, tự chỉnh sửa những thao tác của mình. Em tự nhủ, mình có thể làm chưa tốt ở những lần đầu, nhưng nên nhìn vào sự thay đổi của bản thân ngày hôm nay so với ngày hôm qua. Cảm thấy bản thân mình trưởng thành hơn, có thêm kinh nghiệm làm nghiên cứu hơn, đó mới chính là điều tuyệt vời nhất!

Làm nghiên cứu một mình giúp em tự lập hơn rất nhiều, tự chủ được thời gian. Kỹ năng tự giải quyết vấn đề của em cũng trở nên nhanh nhạy và toàn diện hơn. Từ đó, em tự tin hơn vào khả năng của bản thân để vượt qua những vấn đề khi làm nghiên cứu khoa học, cũng như những vấn đề khác trong cuộc sống.

Chia sẻ bất ngờ của nữ sinh viên vừa ẵm giải cao về Khoa học và công nghệ ảnh 2

: Vũ Thị Quỳnh Mai (ngoài cùng bên trái) tại Hội nghị khoa học Sinh viên khoa Hóa học năm 2021.

Chọn ngành Hóa để theo học, em có dự định sau này làm công việc gì?

Sau khi tốt nghiệp Đại học, em muốn tham gia các chương trình thực tập tại các công ty để giúp bản thân tự tin hơn, mạnh dạn tạo dựng các mối quan hệ, tìm hiểu về môi trường làm việc, khám phá các lĩnh vực mới. Các kỳ thực tập giúp em có thêm trải nghiệm, kinh nghiệm, giúp em biết được bản thân thích làm ở lĩnh vực nào, sau đó em có thể tìm được công việc bản thân thực sự đam mê, yêu thích. Em muốn tìm tòi, học hỏi thêm những kiến thức thực tiễn khi đi làm, mong muốn có thể áp dụng được phần nào kiến thức học được trên ghế nhà trường vào công việc của bản thân, cho công ty mình làm, và cho xã hội.

Sau khi tốt nghiệp, em muốn nâng cao khả năng ngoại ngữ của mình cũng như các kỹ năng mềm. Và chắc chắn, em vẫn sẽ dành thời gian tiếp tục theo đuổi đam mê làm nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển nền khoa học của nước nhà.

Em thấy mình thích học Hóa từ khi nào? Tại sao em lại lựa chọn Trường ĐHKHTN để theo học?

Em bắt đầu được học môn Hoá học từ lớp 8 và càng học thêm về Hoá, em thấy tò mò, càng ngày càng hứng thú với môn học này hơn. Tuy vậy, khi lên lớp 10, vì nhiều lý do mà em thi vào lớp chuyên Anh của Trường THPT Chuyên Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Sau đó, vì quá yêu thích môn Hóa học, đam mê với con đường nghiên cứu khoa học, em đã quyết định không đi sâu vào ngành ngôn ngữ mà chọn học chương trình Tiên tiến Hoá học – một chương trình học hoàn toàn bằng Tiếng Anh tại Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên. Em chọn học ở đây vì biết ngôi trường này có lịch sử lâu đời trong việc đào tạo, nghiên cứu khoa học cơ bản, các thầy cô rất tâm huyết, trình độ cao. Và quả thực, đây là ngôi trường giúp em thoả sức làm nghiên cứu khoa học, là nơi em đặt nhiều ước mơ, niềm tin, niềm hy vọng,...

- Cảm ơn Mai và chúc em thành công, đạt được ước mơ của mình!

Thông tin về sinh viên Vũ Thị Quỳnh Mai

- Cựu học sinh chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

- Sinh viên năm 4, lớp K63 Tiên tiến Hoá học, Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội.

- GPA: 3.71/4.0

- Điểm rèn luyện năm học 2020-2021: 97.5

- Chức vụ: Lớp trưởng/ Chi hội Trưởng lớp K63 Tiên tiến Hoá học

- Hoạt động Đoàn, Hội: Được nhận giấy khen có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào Sinh viên năm học 2020-2021

- Là tác giả thứ 2 của bài báo quốc tế đăng trên tạp chí Langmuir ACS

- Hoạt động ngoại khoá: Thành viên ban Đối ngoại tại Diễn đàn Mô phỏng Nghị viện trẻ; Thành viên ban Nội dung câu lạc bộ Hoá học; là TNV Ban tổ chức Eroica 2020; Tham gia hội thảo VEST 2021; Tham gia cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học các cấp

- Giải thưởng: Giải Nhì Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học năm 2021, Sinh viên 5 Tốt cấp Trung ương năm 2020, Sinh viên 5 Tốt Tiêu biểu cấp Trung ương năm 2021, Gương mặt trẻ Tiêu biểu cấp cơ sở năm 2021

- Các học bổng đạt được: Học bổng Panasonic, học bổng ZEON, học bổng Acecook, học bổng Hoá chất Đức Giang,…

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức Lễ trao giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học năm 2021. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) có 4 đề tài đạt giải, bao gồm: 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 2 Giải Khuyến khích. Trước đó, sinh viên Trường cũng đạt 1 Giải khuyến khích Giải thưởng Eure’ka năm 2021.

MỚI - NÓNG