Đào, quất giá không tăng
Theo ghi nhận của phóng viên, năm nay, thị trường hoa phục vụ Tết tại Hà Nội rất đa dạng về chủng loại. Ngoài các loại cây, hoa truyền thống như: đào Nhật Tân, quất Tứ Liên… thị trường còn xuất hiện nhiều loại hoa lan, cây cảnh từ khắp các vùng miền trên cả nước. Rằm tháng Chạp (ngày 17/1), phố phường Hà Nội xuất hiện nhiều địa điểm bán hoa.
Nhà vườn giới thiệu, bán cây cảnh qua video trên mạng xã hội |
Đối với các loại cây truyền thống như đào, quất, giá giữ ổn định như năm ngoái. Qua khảo sát, quất cảnh bonsai nhỏ dao động từ 200-300 nghìn đồng/cây, loại to hơn có giá khoảng 700-800 nghìn đồng/cây. Các loại quất lớn hình tháp, lộc bình hay ngũ phúc nhiều chồi, lộc… có giá dao động từ 1,5-5 triệu đồng/cây.
Dù là Rằm tháng Chạp, nhưng cơn mưa lạnh sáng 17/1 khiến khách mua bán thưa thớt. Chị Nguyễn Thị Dịu (bán quất cảnh tại quận Long Biên, Hà Nội) nói: “Năm nay do khó khăn của dịch bệnh nên tôi chỉ dám lấy vài trăm cây cảnh với giá dưới 1 triệu đồng/cây. Năm ngoái, giờ này tôi bán được nhiều nhưng năm nay dù ngày Rằm, dân vẫn chưa đi sắm. Giá cây quất năm nay không tăng so với năm ngoái và tôi tập trung vào dòng cây bé 100.000 đồng/cây cả chậu và quất thế 350.000- 500.000 đồng/cây).
Nhất chi mai trăm triệu đồng/cây xuống phố |
Anh Nguyễn Văn Thiết (Giang Biên, Long Biên) chia sẻ: “Năm nay tôi dự đoán tình hình khó khăn hơn năm ngoái do dịch bệnh nên chỉ dám buôn vài cây đào thế và đào rừng. Giá đào không tăng so với năm ngoái. Với cây đào thế này, khách mua giá 14 triệu đồng nhưng khách thuê chỉ khoảng 9 triệu đồng. Đến giờ này, tôi vẫn đang ngóng cả khách mua và khách thuê”. Theo anh Thiết, năm ngoái anh buôn vài trăm cây đào và đêm 30 Tết dù giảm giá nhưng vẫn mang về 1/3 số đào. “Năm nay, tôi buôn ít hơn mà hy vọng những ngày tới khách đến mua đông hơn để không phải mang đào về vườn như năm ngoái”, anh nói.
Đang buộc cây đào với giá 450.000 đồng, anh Nguyễn Minh Trung, người buôn đào cho biết: "Rằm tháng Chạp năm ngoái, người dân mua tấp nập chơi đào sớm nhưng năm nay chậm hơn. Cả buổi sáng tôi bán được 1 cây đào. Tình hình buôn bán ế ẩm hơn mọi năm".
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc, chợ mạng những ngày cuối năm sôi động với đủ loại hàng Tết. Năm nay, tiểu thương thậm chí quay, chụp, livestream (phát trực tiếp) từng gốc đào, quất. Người xem thỏa sức dạo chợ hoa online với nhiều phân khúc, tầm giá.
Tại vườn đào của gia đình ông Phùng Viết Thái (Ngọc Đà, Hưng Yên), từng gốc đào được quay, giới thiệu tỉ mỉ, kèm khoảng giá sỉ, lẻ. Chủ vườn rao bán sỉ hàng trăm cây đào khổng lồ, giá dưới 2 triệu đồng/cây, chưa bao gồm chậu. Theo miêu tả, một cây đào cần tới 8 người khênh, hoa, nụ thưa, không đều nên có giá rẻ. Những cây “hàng tuyển” giá bán lẻ thấp nhất 5 triệu đồng.
Cận Tết Nguyên đán, tần suất ra video giới thiệu sản phẩm của nhà vườn Ngọc Lâm (Gia Lâm, Hà Nội) có phần nhiều hơn thường lệ. Trong video thu hút hơn 21 nghìn lượt xem, nhà vườn giới thiệu cây cảnh Tết: đào thất thốn, tùng tuyết mai, hoa tuyết sơn phi hồ… Những cây đào thất thốn mini giá 1,5 - 2 triệu đồng/ cây, thất thốn bonsai chỉ 350.000 đồng/cây.
Độc đáo đào chuông, nhất chi mai
Gần đây, thị trường Hà Nội có sự xuất hiện của hoa đào chuông mới lạ. Theo giới thiệu của người bán, gọi là đào chuông vì khi nở hoa mang hình dáng những chiếc chuông nhỏ, treo lủng lẳng xinh xắn trên cành lá. Hoa thường nở vào dịp Tết, nở rộ từ tháng 1 đến tháng 5. Đào chuông cho hoa đúng dịp Tết, mùa hoa kéo dài 4 - 5 tháng, dễ chơi, không cần tuốt lá, bấm cành để kích ra hoa đúng dịp như các loại hoa đào khác.
Đào chuông bán tại Hà Nội có 2 màu phổ biến: đỏ và hồng, mỗi nụ đào chuông sẽ nở ra số lẻ từ 3-5-7-9 bông. Giá đào chuông dao động từ vài trăm đến hơn 1 triệu đồng/cành cao từ 2 mét trở lên. Chị Đặng Ngọc, người bán đào chuông tại Hà Nội, cho biết, đào chuông mới “sốt” năm nay, giá vừa tầm nên rất hút khách. Với lượng đơn đã nhận trước, chị Ngọc phải gom nhiều nguồn mới đủ trả khách, phần lớn nhập từ Yên Tử, Quảng Ninh. “Đào ở chân núi Yên Tử có hoa đỏ nhất, đều là đào rừng. Để trồng được đào chuông không đơn giản, nhiều người đã nhân giống nhưng thất bại, cây khô nhanh, khó ra rễ non”, chị Ngọc nói. Theo những người am hiểu giống đào này, đào chuông chỉ sinh trưởng tốt nhất trong môi trường độ ẩm cao, vùng cao trên 1.500 - 1.700m
Tại khu vực Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội), nơi nổi tiếng tập trung cây cảnh đẹp, đắt, “độc”, lạ mùa Tết, năm nay, các loại đào, bưởi cảnh, đu đủ bonsai… đều được bày bán kín 2 đường, nhưng số lượng người mua ít hơn nhiều so với mọi năm. Thu hút người xem nhất là chậu cây nhất chi mai, tạo dáng trên tấm gỗ lớn hình chiếc thuyền.
Anh Lê Viết Tiến, người bán cây cảnh này, cho biết, chậu cây này dài khoảng 4m cao khoảng 2m được chăm sóc, thiết kể tỉ mỉ mất gần 1 năm. Tấm gỗ lớn có hình chiếc thuyền độc mộc được mua từ Hải Phòng. Sau khi mua về, chủ cây gần như để nguyên tấm gỗ theo hình dáng tự nhiên rồi bày trí những gốc nhất chi mai lên.
So với các loại hoa cảnh đang được bày bán tại Hà Nội, đây là chậu cảnh độc đáo bậc nhất tại Hà Nội thời điểm hiện tại. Nhìn từ xa, dáng chậu cây nhất chi mai ngạo nghễ cưỡi lên chiếc thuyền độc mộc, với những cánh hoa mai trắng đang độ ra hoa rất bắt mắt. Anh Tiến cho biết, giá bán của chậu cảnh này khoảng 200 triệu đồng.
Như năm ngoái, đến thời điểm này, các vườn lan Đà Lạt di động đã có mặt tại nhiều điểm ở Hà Nội. Các chậu hoa có giá dao động từ vài triệu tới cả trăm triệu đồng.