Cư dân thị trấn Visby (đảo Gotland, Thuỵ Điển) đã bất ngờ thức giấc giữa đêm khi nghe thấy tiếng khí tài quân sự hạng nặng di chuyển trên đường phố hôm 15/1.
Theo RT, một đơn vị phản ứng nhanh quân đội Thuỵ Điển đã được điều đến Gotland bằng phà và máy bay vận tải hạng nặng C-17 của Mỹ từ ngày 14/1. Đợt triển khai này cũng bao gồm xe chiến đấu bộ binh Stridsfordon 90.
Xe quân sự xuất hiện ở Visby ngày 14/1. Ảnh: Global Look Press |
Quân đội Thuỵ Điển cho biết đây là một phần của chiến lược đối phó với tình hình căng thẳng ở biên giới Nga - Ukraine, cách đảo Gotland khoảng 1.700km về phía Đông Nam.
Michael Claesson - một quan chức quốc phòng Thuỵ Điển khẳng định đợt triển khai này chỉ nhằm mục đích phòng ngừa, “không đồng nghĩa với việc mức độ đe doạ đang gia tăng”. Tuy nhiên theo ông Claesson, Nga đang tăng cường các hoạt động trên Biển Baltic, và đây là động thái bất thường.
Đảo Gotland có vị trí quan trọng đối với an ninh quốc phòng Thuỵ Điển. Đồ hoạ: BBC |
Báo giới Thuỵ Điển ngày 15/1 nhận định quân đội nước này đang củng cố lực lượng để bảo vệ “nơi dễ bị tấn công nhất” (đảo Gotland).
Cũng lúc đó, tờ Bild của Đức cho rằng việc điều quân bất ngờ của Thuỵ Điển có liên quan đến quyết định của Nga trong việc đưa ba tàu đổ bộ hạng nặng từ Biển Barents ở Bắc Băng Dương đến Biển Baltic. Trích lời một quan chức Stockholm giấu tên, tờ Bild cho biết quân đội Thụy Điển đang nâng cao cảnh giác phòng trường hợp Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định sử dụng các chiến hạm để chiếm Gotland.
“Nếu Tổng thống Putin có kế hoạch tấn công các nước Baltic, thì trước tiên ông ấy sẽ phải chiếm Gotland. Chúng tôi đã theo dõi các hoạt động điều quân của Nga và chúng tôi phải xem xét kịch bản này một cách nghiêm túc”, quan chức giấu tên nhận định.
Cũng theo nguồn tin này, Mátxcơva có thể sẽ muốn triển khai hệ thống phòng không S-400 tới Gotland để cắt đứt các quốc gia Baltic khỏi sự hỗ trợ không quân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, quan chức trên không đưa ra bất kì bằng chứng nào có thể chứng minh cho nhận định Nga đang lên kế hoạch chiếm đóng một phần lãnh thổ Thuỵ Điển.
Điện Kremlin chưa lên tiếng về những cáo buộc mới nhất. Tuy nhiên, Mátxcơva từng nhiều lần phủ nhận việc chuẩn bị xâm lược nước láng giềng Ukraine.
Tình hình căng thẳng ở Ukraine đã dẫn đến các cuộc hội đàm cấp cao giữa Nga, Mỹ, NATO và Tổ chức An ninh - Hợp tác châu Âu (OSCE). Trong đó, Nga đưa ra một loạt các đề xuất nhằm cải thiện an ninh châu Âu, bao gồm việc NATO cam kết bằng văn bản rằng sẽ không mở rộng về phía Đông. Tuy nhiên, những yêu cầu này chưa được Mỹ và đồng minh chấp thuận.
Hôm 15/1, cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Yle của Phần Lan rằng “nếu Nga động binh, thì lập tức Phần Lan và Thụy Điển sẽ thảo luận về việc trở thành thành viên NATO". Trong trường hợp hai quốc gia đăng ký gia nhập, khối quân sự do Mỹ dẫn đầu sẽ “đưa ra quyết định chỉ trong một đêm”.