Hành trình sang Nhật Bản của cầu thủ cao 1m58
Tiền vệ Chanathip Songkrasin đã ghi 4 bàn thắng trong các trận bán kết và chung kết AFF Cup 2020, giúp Thái Lan lần thứ 6 lên ngôi vô địch giải đấu. Phong độ chói sáng trong những trận đấu quan trọng nhất giúp Chanathip giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2020. Anh là cầu thủ đầu tiên trong lịch sử AFF Cup 3 lần nhận được vinh dự này vào các năm 2014, 2016 và 2020.
Chanathip thể hiện đẳng cấp vượt trội so với các cầu thủ trong khu vực. Tiền vệ này chuyển sang thi đấu ở Nhật Bản trong màu áo Consadole Sapporo từ năm 2017. Môi trường thi đấu đỉnh cao đã giúp Chanathip phát huy hết tiềm năng so với khi thi đấu trong nước.
Năm 2018, anh là cầu thủ đầu tiên của Đông Nam Á được bầu chọn vào đội hình xuất sắc nhất J.League. Bên cạnh tài năng, Chanathip đã phải nỗ lực và kiên trì rất nhiều trong những năm tháng đầu tiên ra nước ngoài thi đấu.
Chanathip Songkrasin sinh ra trong một gia đình nông dân ở Nakhon Pathom, Thái Lan. Thời niên thiếu, những người bạn đồng trang lứa thường chế giễu giấc mơ chơi bóng đá của Chanathip vì cho rằng anh thiếu thể hình của một vận động viên. Hiện tại, Chanathip cũng chỉ cao 1m58 - một con số khá khiêm tốn ngay cả với những cầu thủ châu Á.
Chanathip vẫn kiên trì theo đuổi đam mê của mình, với hình mẫu là những cầu thủ thấp bé nhẹ cân nhưng vẫn đá bóng rất hay là Messi, Diego Maradona và Santi Cazorla. Thời gian trôi đi, Chanathip dần chứng tỏ mình là cầu thủ tài năng bậc nhất bóng đá Thái Lan. Anh giúp đội nhà vô địch AFF Cup 2014 và 2016 với màn trình diễn rất thuyết phục. Nhưng ngay cả khi đang ở đỉnh vinh quang của khu vực, Chanathip đã nghĩ đến việc phải ra nước ngoài thi đấu. Năm 2017, anh sang Nhật Bản khoác áo Consadole Sapporo.
"Năm đầu tiên rất vất vả. Chất lượng bóng đá (ở Nhật Bản) cao hơn nhiều những gì tôi đã quen thuộc. Giải đấu này đòi hỏi tốc độ và kỹ thuật, tôi phải mất nhiều tháng để thích nghi.
Nhưng với niềm đam mê và sự kiên nhẫn, tôi đã có thể bám trụ lại đây. Có nhiều cầu thủ đến từ những khu vực khác và đều đã bỏ cuộc trong vòng một tháng. Không dễ dàng gì và bạn cần phải thật sự kiên nhẫn", Chanathip cho biết.
"Quang Hải nên xuất ngoại"
Đó là phát biểu của HLV Polking sau khi cùng Thái Lan lên ngôi vô địch AFF Cup 2020. Vị chiến lược gia người Brazil đánh giá rất cao sức mạnh của đội tuyển Việt Nam nhưng ông tin rằng, Việt Nam sẽ còn chơi hay hơn nữa nếu những cầu thủ trụ cột được ra nước ngoài thi đấu.
“Giải VĐQG Thái Lan đã sản sinh ra một cầu thủ tuyệt vời như Chanathip. Phong độ của Chanathip hôm nay chính là kết quả của cả quá trình anh ấy chơi bóng ở J.League.
Về phía Nguyễn Quang Hải, cậu ấy là cầu thủ của V-League. Và cậu ấy chưa xuất ngoại. Điều tôi muốn nói là các cầu thủ phải ra nước ngoài để cải thiện khả năng của mình. Còn các giải VĐQG như V-League, Thai League, họ cũng phải ý thức được vai trò phát triển của mình để phục vụ ĐTQG”, Polking cho biết.
Theerathon Bunmathan cũng thi đấu rất thành công ở Nhật Bản |
Trên tờ Straits Times, Chanathip đã khích lệ các cầu thủ giỏi ở Đông Nam Á vượt khỏi vùng an toàn để ra nước ngoài thi đấu. Lời gợi ý của một cầu thủ Đông Nam Á đang rất thành công ở Nhật Bản rất đáng để các cầu thủ trong khu vực suy nghĩ. Trong số các đội bóng mạnh ở Đông Nam Á, Việt Nam là đội có ít cầu thủ thi đấu ở nước ngoài nhất.
“Tại giải đấu này, bạn có thể thấy rằng có rất nhiều cầu thủ rất hay. Rõ ràng là họ có thể tạo nên sự đột phá. Nhưng họ cần phải thoát ra khỏi vùng an toàn trong nước. Tôi biết một số người có mức lương tốt nên sẽ không muốn thay đổi nơi thi đấu, không muốn thích nghi với môi trường mới.
Nhưng tôi thấy rằng, nếu các cầu thủ có thể thi đấu ở các giải đấu hàng đầu châu Á thì điều này sẽ giúp cho bóng đá Đông Nam Á phát triển. Thái Lan là đội vô địch nhưng ở cấp độ châu Á, chúng tôi vẫn chưa là gì cả. Bóng đá Đông Nam Á cần phải có nhiều cầu thủ ra nước ngoài thi đấu thì mới có thể nâng tầm. Chỉ có thi đấu cùng với những người giỏi hơn thì chúng ta mới tiến bộ được”, Chanathip nói.
"Quang Hải nên xuất ngoại" |
Tiền vệ 28 tuổi cũng không hối tiếc vì không sang châu Âu thi đấu. Với những cầu thủ có thể hình nhỏ con như Chanathip, J.League là môi trường phù hợp nhất để phát triển khả năng.
“Là một cầu thủ chuyên nghiệp, danh hiệu rất quan trọng. Nhưng điều này phụ thuộc vào các cơ hội mà tôi có thể có được trong tương lai. Hiện tại, tôi không hối tiếc về việc không được đến châu Âu. Tôi muốn tiếp tục chơi bóng ở Nhật Bản cho đến khi họ không cần tôi nữa. Không ai có thể lấy đi hạnh phúc của tôi khi tôi vẫn đang chơi bóng”, anh nói thêm.
Những ngày gần đây, bóng đá Việt Nam liên tục xuất hiện những thông tin về việc một số đội bóng nước ngoài muốn sở hữu những ngôi sao như Hoàng Đức hay Quang Hải. Có một số ý kiến lo ngại cầu thủ Việt Nam sang nước ngoài sẽ phải ngồi dự bị nhiều Văn Hậu, Công Phượng và dẫn đến không giữ được phong độ.
Tuy nhiên, nếu cứ lo sợ và chần chừ thì bóng đá Việt Nam sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội vươn tầm. Thực tế, trình độ và tiềm năng của các cầu thủ Việt Nam không thua kém cầu thủ Thái Lan. Họ đã thành công và chúng ta cũng hoàn toàn có thể thành công.