Cách F0 tự quản lí và chăm sóc tại nhà

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bệnh ngày càng tăng, bất kì ai cũng có thể trở thành F0 nếu không biết tự bảo vệ. F0 được điều trị tại nhà nên và không nên làm gì, các bác sĩ đưa ra những khuyến cáo cần thiết giúp bệnh nhân tự theo dõi sức khỏe.
Cách F0 tự quản lí và chăm sóc tại nhà ảnh 1

Nhân viên y tế trao gói thuốc điều trị tại nhà cho F0. Ảnh: Thái Hà

PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), cho biết F0 không tụ tập với những người xung quanh. Ngoài ra, F0 phải tự đo thân nhiệt, cập nhật chỉ số sức khỏe hằng ngày, tải các thông tin cập nhật trên trang của Bộ Y tế để tự kiểm tra sức khỏe tại nhà. Đặc biệt phải nghiêm chỉnh chấp hành cách li y tế trong thời gian chờ đợi xét nghiệm PCR (có thể mất từ 4 - 5 ngày).

Không tiếp xúc với người trong gia đình mình, kể cả vật nuôi. Không dùng chung đồ dùng, vật dụng cá nhân, tự cách li mình trong phòng riêng có cửa sổ thông thoáng. Vệ sinh các bề mặt xung quanh như bàn ghế, tay nắm cửa… Người thân sẽ chuyển đồ ăn lên và chú ý xịt khử khuẩn. Với rác thải y tế của người nhiễm COVID-19 cần phải buộc vào túi ni lông vàng, xịt khử khuẩn chuyển ra ngoài cho người thân mang vứt.

Khi bị nhiễm, người bệnh nên ăn những đồ chế biến dạng mềm, lỏng, lưu ý uống đủ nước để làm mềm niêm mạc đường hô hấp. Đồng thời phải chú ý tập luyện nhẹ nhàng, đi lại trong phòng để tăng cường hô hấp.

Chuẩn bị thuốc không kê đơn

Bác sĩ Thanh cho biết hiện nay, người dân truyền tai nhau nhiều loại thuốc dùng để phòng chống COVID-19 hoặc điều trị cho các F0. Tuy nhiên bác sĩ khuyến cáo F0 không được tự ý sử dụng thuốc. Hiện nay có 3 gói thuốc thiết yếu được sử dụng để điều trị cho F0. Cụ thể, gói thuốc A là thuốc không kê đơn, có thể chuẩn bị sẵn sàng ở nhà khi đơn vị y tế chưa chuyển thuốc đến gồm: Thuốc giảm đau, hạ sốt, thường dùng là Paracetamol (chú ý những người có tiền sử dị ứng với Paracetamol thì nên dự trù loại thuốc hạ sốt khác); Vitamin để nâng cao sức đề kháng, miễn dịch. Vitamin được nhấn mạnh là vitamin nhóm B, D, kẽm; Bù nước, điện giải, dung dịch oresol để dùng trong trường hợp có sốt cao hay khát nước, tiêu chảy hoặc có thể uống đủ nước lọc, nước hoa quả, sinh tố; Nước muối sát trùng mũi, họng. Rửa mũi, họng sẽ tốt cho bệnh nhân F0 dù có triệu chứng hay không. Ngoài ra, có thể thể tích trữ một số loại thuốc như thuốc ho, siro ho, thuốc dạ dày tại nhà.

Gói thuốc B (màu vàng) theo chỉ định của các bác sĩ, được cán bộ y tế theo dõi. Gói thuốc gồm có thuốc kháng viêm và kháng đông và chỉ đến một thời điểm nào đó mới được sử dụng. Gói thuốc này chống chỉ định cho những người mắc các bệnh như viêm loét dạ dày - tá tràng, suy gan, suy thận, dễ chảy máu, phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang cho con bú…

Gói thuốc C (gói thuốc kháng virus), thuốc đang trong giai đoạn thử nghiệm. Ví dụ Molnupiravir sẽ được dùng dưới sự giám sát của bác sĩ và cơ sở y tế, người dân không nên tự ý dùng. Gói thuốc này chỉ định cho người lớn từ 18-65 tuổi, người bị COVID-19 biểu hiện nhẹ, phụ nữ không mang thai và đồng ý ký phiếu chấp thuận. Chống chỉ định cho phụ nữ có thai, cho con bú, người bị suy gan, suy thận, viêm gan virus cấp, viêm tụy cấp hoặc mãn tính.

Dấu hiệu trở nặng cần báo nhân viên y tế

Bác sĩ lưu ý một số dấu hiệu trở nặng cần báo ngay nhân viên y tế: nhiệt độ tăng quá cao, uống 2 lần hạ sốt mà không giảm sốt, nhịp thở trên 21 lần/phút, mạch chậm dưới 50, nhanh trên 120 lần, huyết áp ít hơn 90/60, Sp02 dưới 95%, mệt không muốn đi lại, nói chuyện, ho nhiều, ho ra máu; mất vị giác khứu giác kéo dài không hồi phục được, đột nhiên đau ngực, thở dốc.

Theo bác sĩ Thanh, mất vị giác và khứu giác là một triệu chứng khá đặc hiệu của nhiễm COVID19, hai triệu chứng này không thể hiện mức độ nặng của bệnh cũng như không gây nguy hiểm đến tính mạng và có thể khỏi hoàn toàn được. Trong quá trình mắc bệnh, F0 nên tập thở, thực hiện những bài tập nhẹ nhàng, không nên tập quá sức.

Trong trường hợp cả nhà cùng mắc bệnh mọi F0 vẫn cần giữ khoảng cách vì khi bị nhiễm COVID-19, độ nặng nhẹ của mỗi người khác nhau, thời điểm bị nhiễm, chu kì của mỗi người khác nhau, nếu không đeo khẩu trang, giữ khoảng cách có thể gây ra tình trạng tái nhiễm. Ngoài ra việc đeo khẩu trang để tránh phát tán virus ra ngoài, khi nồng độ virus đã giảm có thể bỏ khẩu trang. “Khi chỉ số PCR trên 30 thì cũng không cần lo lắng lây nhiễm cho cả nhà. Nếu đang ở một số cơ sở y tế bạn sẽ được “hạ tầng” mức độ nguy hiểm. Bạn hoàn toàn có thể tự chăm sóc và theo dõi tại nhà”, bác sĩ Thanh cho biết.

Đồ dùng, thiết bị y tế để theo dõi F0 tại nhà: nhiệt kế, máy đo huyết áp điện tử cá nhân, khăn giấy dùng một lần, nước sinh hoạt, vệ sinh khử khuẩn, khẩu trang, găng tay sạch, lót nilong màu vàng…

MỚI - NÓNG