Siêu bão Rai hiếm gặp trong nhiều năm, vùng quần thảo rất rộng lớn

0:00 / 0:00
0:00
Bão Rai được cơ quan khí tượng nhận định là hiếm gặp trong nhiều năm trở lại đây.
Bão Rai được cơ quan khí tượng nhận định là hiếm gặp trong nhiều năm trở lại đây.
TPO - Xuất hiện thời điểm cuối năm, di chuyển rất nhanh với cường độ siêu bão cấp 16, giật cấp 17, bão Rai được nhận định là rất hiếm gặp trong nhiều năm và có vùng quần thảo cực kỳ rộng lớn.

Theo ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều nay (16/12), bão Rai tiếp tục mạnh lên, trở thành cơn siêu bão với sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật cấp 17.

Lúc 16 giờ chiều nay, bão ngay trên miền Nam và miền Trung Philippines với vùng ảnh hưởng vô cùng rộng lớn, bán kính có gió mạnh cấp 6 là 300km tính từ tâm bão.

Khi vào Biển Đông, do ma sát trước đó với địa hình của Philippines, bão suy yếu khoảng 2 cấp nhưng vẫn là một cơn bão rất mạnh với cường độ khoảng cấp 13 – 14.

Ông Năng cho biết, dự báo khoảng chiều và tối mai (17/12), bão sẽ đi vào Biển Đông, trở thành bão số 9 trong mùa mưa bão năm nay.

Khi vào Biển Đông, do ma sát trước đó với địa hình của Philippines, bão suy yếu khoảng 2 cấp nhưng vẫn là một cơn bão rất mạnh với cường độ khoảng cấp 13 – 14.

Theo ông Năng, trong khoảng 50 năm gần đây, chỉ có 8 cơn siêu bão từ cấp 16 trở lên xuất hiện tại Tây Bắc Thái Bình Dương vào cuối năm. Trước đó, năm 2016 cũng có một cơn siêu bão xuất hiện tại vùng biển Philippines vào tháng 12, khi vào Biển Đông là cơn bão mạnh cấp 10-11.

Vì vậy, theo ông Năng, siêu bão Rai là trường hợp rất hiếm gặp trong nhiều năm trở lại đây. "Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai dị thường có thể xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều hơn và chúng ta phải tập trung ứng phó", ông Năng chia sẻ.

Về đường đi của bão Rai, theo ông Năng, tính toán mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng như nhiều trung tâm dự báo khác trên thế giới đều thống nhất, trong 24-48 giờ đầu khi vào Biển Đông, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó đổi hướng lên phía Bắc, đi về phía quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) rồi dịch chuyển về phía Trung Quốc.

Cụ thể, đến 13 giờ ngày 18/12, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 100km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17.

Trong 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ rất nhanh, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 13 giờ ngày 19/12, tâm bão cách bờ biển Phú Yên-Khánh Hòa khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16. Sau đó, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, cường độ có xu hướng giảm dần.

“Đây là kịch bản lớn nhất mà chúng tôi nhận định, nếu có diễn biến đặc biệt, chúng tôi sẽ cảnh báo ngay lập tức. Cơ quan chức năng cũng phát cảnh báo thiên tai rủi ro cấp 4 (trong thang bậc 5 cấp) với cơn bão này” - Ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu khẩn cấp ứng phó với siêu bão Rai

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện gửi các bộ, ngành, chính quyền địa phương có liên quan về việc ứng phó khẩn cấp với siêu bão Rai sắp vào Biển Đông.

Đây là cơn bão cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh, xảy ra vào cuối mùa mưa bão, diễn biến còn rất phức tạp. Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền và các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, quyết liệt chỉ đạo, triển khai kịp thời công tác ứng phó với bão theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp với lực lượng biên phòng và các cơ quan có liên quan theo dõi sát diễn biến của bão, chỉ đạo thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền di chuyển về nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không để tàu thuyền, phương tiện hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão không để tàu thuyền, phương tiện hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão

Căn cứ diễn biến, nguy cơ ảnh hưởng của bão và thực tế tại địa phương chỉ đạo, triển khai các biện pháp cần thiết đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên các đảo và trên lồng bè nuôi trồng thủy hải sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến bão để Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương và người dân biết chủ động chỉ đạo và triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của bão.

Bộ Ngoại giao theo dõi, chủ động liên hệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ tạo điều kiện cho tàu thuyền Việt Nam vào trú tránh bão khi có yêu cầu.

Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương ứng phó bão khi có yêu cầu.

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các địa phương triển khai các phương án ứng phó cụ thể phù hợp với diễn biến của bão, nhất là bảo đảm an toàn cho tàu thuyền và các hoạt động trên biển, ven biển, an toàn tính mạng người dân; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Văn Kiên

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.