Tuyển sinh Đại học: Bao giờ mới có trung tâm khảo thí độc lập?

0:00 / 0:00
0:00
Giáo dục đại học trong năm học tới sẽ còn gặp nhiều thách thức. Ảnh: Diệp An
Giáo dục đại học trong năm học tới sẽ còn gặp nhiều thách thức. Ảnh: Diệp An
TP - Năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT lựa chọn một số cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu phối hợp xây dựng nền tảng trực tuyến và học liệu số dùng chung. Các ĐH quốc gia và ĐH vùng có thể bắt tay ngay vào việc xây dựng, củng cố hệ thống trung tâm khảo thí; giai đoạn 2022-2025 sẽ xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập.

Ngày 24/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị giáo dục ĐH với sự tham gia của 500 trường ĐH, CĐ có đào tạo giáo viên.

Đối với năm học 2021-2022 sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ khuyến khích và lựa chọn một số cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu, tiên phong, phối hợp xây dựng nền tảng trực tuyến và học liệu số dùng chung. Bộ GD&ĐT và các cơ sở giáo dục ĐH tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu giáo dục ĐH. Các trường rà soát và thực hiện số hóa thông tin, quản lý theo chuẩn dữ liệu cơ sở dữ liệu giáo dục ĐH. Thông tư quy định quản lý, xây dựng, sử dụng cơ sở dữ liệu... sẽ được ban hành.

Về công tác tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD&ĐT, cho biết sẽ cơ bản giữ ổn định tới năm 2025 với một số cải tiến về mặt kỹ thuật; đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH. Đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD&ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường. Đặc biệt, trong giai đoạn này sẽ hình thành các trung tâm khảo thí độc lập có ngân hàng câu hỏi, đề thi chuẩn hóa, thi trên máy tính và thi nhiều lần trong năm để phục vụ thí sinh và công tác tuyển sinh của các trường ĐH.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu, bước sang năm học mới, giáo dục ĐH cần tăng cường các giải pháp thích nghi với điều kiện dịch bệnh có thể còn kéo dài. “Giáo dục ĐH không chỉ chuyển đổi số và ứng phó cho mình, mà còn đóng vai trò nòng cốt trong chuyển đổi số toàn ngành giáo dục, hỗ trợ cho bậc học phổ thông và giáo dục địa phương”, ông Sơn nói.

Ông cũng nhắc tới tinh thần đổi mới công tác tuyển sinh, gắn với việc kỳ thi tốt nghiệp THPT phải năng động hơn để thích nghi và có sự đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp trong thi tốt nghiệp THPT. Đây là việc đang trong quá trình chuẩn bị. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng GD&ĐT, 2 ĐH quốc gia và các ĐH vùng có thể bắt tay ngay vào việc xây dựng, củng cố hệ thống các trung tâm khảo thí, tạo tiền đề cơ sở vật chất cho các chủ trương đổi mới thi trong thời gian sắp tới.

Không hài lòng về chất lượng đào tạo trực tuyến

Báo cáo tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nói rằng, dạy trực tuyến đối với cơ sở giáo dục ĐH có những hạn chế không thể khắc phục, đặc biệt là đối với những nội dung cần thực hành, thực tập trong phòng thí nghiệm. Bà Thủy cho hay, hồi tháng 3, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp nhóm nghiên cứu Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội khảo sát về đào tạo trực tuyến đối với giáo dục ĐH. Gần 120.000 sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ tư thuộc bảy nhóm ngành và 6.556 giảng viên tham gia.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khuyến khích các trường ĐH đẩy mạnh nghiên cứu thuốc, các công cụ phòng chống dịch. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu tư vấn chính sách về kinh tế - xã hội, việc làm, giải quyết những tác động của dịch bệnh tới con người, xã hội, tâm lý.

Kết quả cho thấy, có ba chỉ số được sinh viên đánh giá thấp nhất. Đó là hình thức kiểm tra đánh giá kết quả (điểm trung bình 3,77), chất lượng dạy học trực tuyến (điểm trung bình 3,76) và hạ tầng công nghệ, các giải pháp hỗ trợ việc học (điểm trung bình 3,86). Đặc biệt, chỉ số chất lượng dạy học trực tuyến đều được sinh viên và giảng viên đánh giá thấp nhất (giảng viên cho 3,83 điểm) trong 10 chỉ số được đưa ra lấy ý kiến. Ngoài ra, khảo sát 299 cơ sở giáo dục ĐH cho thấy, 117/299 cơ sở đào tạo chưa phát triển, ứng dụng nền tảng ứng dụng công nghệ để dạy và học.

Trao đổi với phóng viên, hiệu trưởng một trường ĐH đào tạo nhóm ngành kinh tế khẳng định, với học trực tuyến, trường chỉ cố gắng đảm bảo chất lượng ở mức tối thiểu, không thể đòi hỏi hơn. Nhiều sinh viên sau khi học trực tuyến mong muốn được học trực tiếp để cải thiện điểm với mong muốn có cơ hội nhận học bổng hoặc bằng tốt nghiệp. Thậm chí, có trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH còn tỏ ra ngạc nhiên khi thấy sau 2 năm học trực tuyến, kết quả thi tốt nghiệp THPT của thí sinh năm nay lại có phổ điểm đẹp, ngược hoàn toàn với giáo dục ĐH.

MỚI - NÓNG