Bước sang năm thứ tư hoạt động, trại hè Teen-Up (Tự do bứt phá) và các lớp học của Tổ chức giáo dục giới tính (GDGT) – WeGrow Edu (viết tắt là WE) vẫn có một mùa hè sôi động và nhiều cảm xúc. Theo chị Hoàng Linh, đồng sáng lập WE, trong năm qua vào thời gian giãn cách xã hội, các lớp học trực tiếp (offline) tạm dừng, thì lớp online vẫn mở đều đặn. Năm nay khóa học có phụ huynh trải nghiệm cùng con cũng đông hơn những năm trước.
“Hôn nhau là có em bé”
Học về giáo dục giới tính là khóa học không sách vở, nhiều tiếng cười và nhiều thông tin mới lạ hữu ích nên cả thầy cả trò luôn hào hứng.
Tiết học sử dụng bao cao su và “Em bé được ra đời như thế nào?” là những khoảnh khắc thực sự thư giãn. Ở nhà bố mẹ các bé thường tránh câu hỏi này, “đùn đẩy” cho trường lớp vì vậy các em có những giải thích rất ngây ngô về nguồn gốc sinh ra trẻ con. Cô giáo Hoàng Linh kể: “Hôn nhau có em bé là câu trả lời thường gặp từ các em hoặc con chui ra từ hậu môn của mẹ. Ngoài ra thì “đi bơi cũng có thể mang thai”.
Cô giáo Nguyễn Khánh Huyền kể có lần đang giảng giải về cách em bé được tạo nên, bỗng một em ngồi giật lùi lại, bịt tai nói “Con thấy ngại, không muốn nghe”. Sau một lúc nghe cô giáo giải thích, em mới thấy “điều đó không có gì là đáng xấu hổ”.
Trong giờ học sử dụng bao cao su, các em ngồi vòng tròn, trước mặt là đủ loại trái cây “giáo cụ” như chuối, cà rốt, cà tím… Có những bạn nhỏ nhìn bao cao su với sự tò mò, có bạn tự tin "con biết cách sử dụng rồi", có những bạn lại hơi sợ sệt vì lần đầu nghe đến. Nhiều thông tin các em nhận được từ youtube rồi khăng khăng tin, như luộc bao cao su xong có thế tái sử dụng.
Các em đưa ra nhiều câu hỏi trong tiết học tìm hiểu về tuổi dậy thì. Các bạn nữ thắc mắc về kinh nguyệt, các sản phẩm chăm sóc kỳ “đèn đỏ”. Có những chuyện khiến cô giáo cười mếu vì học sinh nghĩ rằng máu kinh nguyệt là máu độc. Các bạn nam tò mò muốn tìm hiểu về mộng tinh, sự thay đổi về cơ bắp hay vỡ giọng,... Đôi khi, có bạn hỏi cô giáo về tuổi dậy thì của bạn khác giới. Con gái tưởng con trai phải đeo bỉm đề phòng “giấc mơ ướt”. Con trai tưởng con gái dán băng vệ sinh vào âm đạo…
Phụ huynh đùn “việc đó” cho trường lớp
Cô giáo Khánh Huyền chia sẻ có lần đang nói chuyện về xâm hại tình dục bỗng một học sinh nữ ôm mặt khóc, chạy ra ngoài. Bạn chia sẻ rằng mình từng là nạn nhân của xâm hại tình dục do chính người thân gây ra. Hồi đó bạn chỉ biết im lặng và nghĩ rằng đó là chuyện bình thường. Nhưng đến bây giờ, bạn mới hiểu đó chính là hành vi xâm hại tình dục và bạn cảm thấy rất sợ hãi, ám ảnh về ký ức đó. Nhiều phụ huynh biết đến bí mật đáng sợ của con thông qua giờ học cùng con.
Phần đông người cho con đi học trại hè GDGT chỉ để phòng tránh bị xâm hại. Theo chị Hoàng Linh, sáng lập viên WE, phụ huynh thường có 3 suy nghĩ sai lầm: Chỉ bé gái mới bị xâm hại; Con đến tuổi dậy thì mới cần GDGT; GDGT ở trường là đủ. Trên thực tế, nhà trường khá rón rén với chủ đề “ai cũng né”. Một số trường chỉ mời chuyên gia về nói chuyện lướt qua. Hầu hết các em tự khám phá qua các nguồn linh tinh trên mạng.
Có phụ huynh khăng khăng cãi là tuổi quan hệ tình dục hợp pháp tại Việt Nam là 18 tuổi, giáo viên Đặng Hương Giang đã phải chụp lại Luật Hình sự để chứng minh đúng là 16 tuổi. Sau đó phụ huynh lại nói là dạy thế các con 16 tuổi không sợ pháp luật nữa cứ đi quan hệ thì sao. Thực tế là vai trò của GDGT nằm ở chỗ cho con thông tin đúng, đủ và nói với con về các giá trị, về việc đảm bảo an toàn và an tâm cho bản thân và mọi người. Có phụ huynh nghĩ rằng đồng tính là bệnh, muốn cho con học GDGT để chữa con về bình thường. Điều này khiến cho con cái rất khổ sở, tổn thương.
Hiện WE cũng đã có các khóa học riêng cho phụ huynh, tiếp cận theo dạng nhóm thảo luận, đi theo lộ trình từ làm việc chung tới làm việc riêng 1-1.
Có một em nhỏ sau khi hoàn thành khóa học tại WE đã nói rằng “con muốn trở thành bác sĩ kinh nguyệt, để tìm ra cách làm cho kinh nguyệt giảm sự đau đớn thật nhiều”. Giáo viên Hương Giang cho rằng đây là sự chuyển hóa lớn của học sinh sau khi học GDGT toàn diện, “con biết nhìn nhận không định kiến với kinh nguyệt, biết trân trọng bản thân và biết nghĩ tới cộng đồng”.