Đã 75 năm ngày Dân quốc ấy: Người xứ sông Thương

TP - Và cũng đã 75 năm câu thơ của Xuân Diệu “Cái thuở ban đầu dân quốc ấy”! Dịp kỷ niệm 70 năm Kỳ họp Quốc hội khóa I và Tổng tuyển cử Quốc hội (QH) cả nước ( 2016) tôi có dịp viết về một vài ĐBQH Khóa I như cụ Lê Đỗ Kỳ (bố vợ nhà thơ Hữu Loan); nhà thơ Đoàn Phú Tứ, ông Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại)… Nay nhân 75 năm, xin nối tiếp hai nhân vật (ĐBQH khóa I) nữa. 

Nhớ đến thi sĩ Hoàng Cầm lại nghĩ ngay đến người con của xứ Phủ Lạng Thương đến người của sông Thương, nhà văn Nhật Nham Trịnh Như Tấu!

Nhớ ngày của năm xa ấy, thi sĩ Hoàng Cầm còn rừng rực cái sự ham đi. Lại tiện xe của anh bạn điêu khắc Khúc Quốc Ân cùng với ông con Hoàng Kỳ, suốt mấy ngày một vệt đi tưởng trần nát cả vệt từ mạn Sen Hồ, Chũ, Bắc Giang… Đi để tìm gặp mấy người cũ, mấy ông giáo già nghe đâu là bạn chung của thi sĩ, nhà văn Trịnh Như Tấu. Nhưng chúng tôi chỉ gặp được hai cụ. Một cụ đã lẫn. Một người đã yếu.

Căn cứ vào trí nhớ của thi sĩ Hoàng Cầm thì những năm đầu thập niên ba mươi của thế kỷ 20, trên văn đàn và báo giới Việt Nam xuất hiện hàng loạt bài báo, bài ký, truyện dài... của tác giả mang bút danh Nhật Nham. Đặc biệt khi tạp chí Tri Tân ra mắt bạn đọc (1941) thì bút danh Nhật Nham càng trở nên thân quen, gần gũi với độc giả và những nhà nghiên cứu giàu nhiệt huyết với vấn đề tuyên truyền cổ suý cho công cuộc xây dựng lâu đài văn hoá truyền thống.

Nhật Nham là bút danh của Trịnh Như Tấu, một trong những nhà văn hoá, nhà báo đầu tiên của quê hương Bắc Giang trước Cách mạng tháng Tám. Bút danh Nhật Nham được lấy từ hai địa danh và vùng đất  phảng phất đậm đặc huyền thoại của vùng quê Bắc Giang. Chữ Nhật lấy từ tên chữ của dòng Thương là Nhật Đức Giang, chữ Nham lấy từ tên của dải Nham Biền Sơn hùng vĩ nối đôi bờ sông Thương - sông Cầu, thuộc huyện Yên Dũng và một phần huyện Việt Yên.

Đã 75 năm ngày Dân quốc ấy: Người xứ sông Thương ảnh 1 Cuốn Trịnh Gia Chính Phả

Thi sĩ Hoàng Cầm cứ xuýt xoa nói tôi họ Trịnh mà không làm cái việc vấn tổ tầm tông cụ Trịnh Như Tấu thì mắc cái tội sao nhãng với tiền nhân? Thi sĩ đang nhắc đến cuốn “Trịnh gia chính phả” mà sau này học giả Hoàng Xuân Hãn dựa vào đó để phát triển một công trình khoa học của mình. Sách ấy thì tôi có biết. Trịnh gia chính phả ghi lại gia phả 12 đời của dòng họ chúa Trịnh, từ lúc thịnh tới lúc suy, phản ánh đầy đủ các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội… trong suốt thời vua Lê chúa Trịnh, khoảng 249 năm, từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII (1539-1787).

Nhật Nham - Trịnh Như Tấu sinh khoảng năm 1915 trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở làng Thương, tổng Thọ Xương, phủ Lạng Thương (nay là thành phố Bắc Giang). Thuở nhỏ, ông học ở trường phủ, lớn lên được về Hải Phòng học tiếp rồi thi đỗ bằng Đíp-lôm (Tương đương trung học cơ sở), sau lại ra Hà Nội học ở trường Bưởi và thi đỗ bằng Tú tài toàn phần.

Rồi ông đi thi tuyển và được nhận làm Tham tá toà sứ Bắc Giang và lần lượt làm công việc ở toà sứ Hà Nam, Lào Cai, Hưng Yên... Thời kỳ 1941 - 1945 ông làm nhân viên ở phòng kiểm duyệt báo chí phủ thống sứ Hà Nội.

Nhà văn công chức Trịnh Như Tấu đã bắt kịp mạch nguồn dân tộc những ngày cách mạng tháng Tám và không khí sôi nổi buổi đầu dân quốc!

Sử nhà còn chép rành rẽ,  75 năm trước, cả nước gồm 333 đại biểu trúng cử trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 và 70 đại biểu không thông qua bầu cử của Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội (Việt Cách). Với tỉ lệ cử tri đi bầu đạt 89%, 333 đại biểu đã được bầu từ 403 người ứng cử, trong đó có 10 đại biểu là nữ, 34 là người dân tộc thiểu số, 43% là không đảng phái và 87% là thuộc thành phần công nhân, nông dân hoặc tham gia cách mạng. Đại biểu (ĐB) Nhật Nham Trịnh Như Tấu thuộc Việt Quốc đã trúng cử ĐBQH Khóa I cùng với nhiều yếu nhân khi ấy như Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Đặng Văn Sung, Nghiêm Kế Tổ, Chu Bá Phượng… 333 đại biểu của non sông đất nước ấy đã tề tựu đông đủ vào một ngày mùa xuân năm 1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội nghe Hồ Chủ tịch huấn thị dặn dò… Mấy vị mà thi sĩ Hoàng Cầm ghé Bắc Giang thăm dịp đi ấy là những người đã cùng ĐBQH Trịnh Như Tấu tích cực tham gia hoạt động đoàn thể đi dạy Bình dân học vụ chống đói, diệt dốt.

Đã 75 năm ngày Dân quốc ấy: Người xứ sông Thương ảnh 2 Báo Tri tân nơi Trịnh Như Tấu viết nhiều bài nhất

Trở lại câu chuyện với chất giọng ngậm ngùi của nhà thơ Hoàng Cầm là năm 1947 khi Nhật Nham Trịnh Như Tấu được chính quyền cách mạng đưa lên chiến khu Việt Bắc thì chẳng may ông bị trúng đạn của giặc Pháp. Ông được đưa về dưỡng thương ở xã Tam Tiến, huyện Yên Thế ngày nay thì mất.

Là một trí thức am tường cả hai nền văn hoá Đông - Tây, giỏi chữ Pháp và chữ Hán lại được làm nhiệm vụ của một nhân viên cao cấp trong Toà sứ, nên ông có điều kiện thuận lợi tiếp cận với nguồn tư liệu chính thống từ pháp, đồng thời thường xuyên tiếp thu tư liệu điền dã ở các địa phương,  nên Nhật Nham sớm hội đủ tư chất để trở thành nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá. Năm 1934 khi làm tham tá ở Toà sứ Hưng Yên, ông lại công bố tập sách Hưng Yên địa chí. Cùng năm 1934  xuất bản  cuốn Gương luân lý. Năm 1935 xuất bản tác phẩm Phật giáo với thuyết luân hồi.

Năm 1937 hoàn thành và công bố chuyên khảo về quê hương: Bắc Giang địa chí.

 Hai tập chuyên khảo Hưng Yên địa chí Bắc Giang địa chí được các học giả trường Viễn Đông bác cổ đánh giá cao về học thuật.

Sau thời điểm được đi với nhà thơ Hoàng Cầm, tôi về lục ở thư viện. Riêng Tạp chí Tri Tân  Nhật Nham Trịnh Như Tấu có tới hơn 300 bài viết ở các thể loại: ký sự, tuỳ bút, thời đàm, khảo cứu... Các bài viết Luỹ thày tức làng Đồng Hới (số 9 - 10), Ông ích Khiêm, Tại sao lại gọi là núi Cai Kinh (số 16), Gia tướng Trần Hưng Đạo, Danh nhân nước Nam, Đoàn Thị Điểm... có giá trị đặc biệt giúp cho độc giả hiểu cặn kẽ hơn về lịch sử văn hoá Việt Nam.

Qua vài trước tác hiếm hoi còn sót lại, Nhật Nham - Trịnh Như Tấu xứng đáng được tôn vinh là nhà văn, nhà văn hóa, cây viết có hạng của nền văn học, báo chí nước nhà thời kỳ tiền khởi nghĩa. Thi sĩ Hoàng Cầm cứ suýt xoa tiếc cho Trịnh Như Tấu rằng hằng bao năm nay giới viết lách ở Hà Nội nói chung và đất Bắc Giang hình như lãng quên ông? Muộn còn hơn không, hậu sinh nên làm cái việc đến các cơ quan lưu trữ để sưu tầm xuất bản và giới thiệu lại cho công chúng.

Bên cạnh những bài viết thể loại khảo sử, Nhật Nham còn thành công ở thể ký sự. Thiên ký sự Từ Hà Nội đến Ba Bể đăng nhiều kỳ ở Tri Tân đã được đồng nghiệp bấy giờ ngợi khen là “cây bút ký sự có hạng”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.