Đề nghị giao UBDN cấp tỉnh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

Bộ trưởng NT&MT Trần Hồng Hà. Ảnh QH
Bộ trưởng NT&MT Trần Hồng Hà. Ảnh QH
TPO - Đa số các Đoàn ĐBQH đề nghị thực hiện theo phương án 2, nghĩa là giao cho UBND cấp tỉnh phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) trên địa bàn.

Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Liên quan đến thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), dự thảo đưa ra 2 phương án:

Phương án 1: Theo Tờ trình của Chính phủ là giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình nhằm phát huy vai trò, năng lực, nguồn lực của các Bộ chuyên ngành, thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông.

Còn phương án 2, theo ý kiến của nhiều Đoàn ĐBQH là giao cho UBND cấp tỉnh phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) trên địa bàn.

Việc giao UBND cấp tỉnh thẩm định sẽ nắm rõ mức độ tác động của dự án đến môi trường, kinh tế - xã hội tại địa phương và thống nhất với thẩm quyền, trách nhiệm quản lý xuyên suốt tại địa phương từ thẩm định kết quả báo cáo ĐTM, cấp giấy phép môi trường, kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường của dự án, cơ sở.

Kết quả xin ý kiến, đa số các Đoàn ĐBQH đề nghị thực hiện theo Phương án 2, với 40/50 Đoàn có ý kiến về nội dung này.

Về giấy phép môi trường, dự thảo Luật cũng trình 2 phương án, trong đó:

Phương án 1, Chính phủ trình: Chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước.

Phương án 2, vẫn có giấy phép “xả nước thải vào công trình thủy lợi” theo quy định của Luật Thủy lợi được Quốc hội thông qua năm 2017 và đang được triển khai thực hiện một cách thuận lợi.

Kết quả xin ý kiến các Đoàn ĐBQH: Theo Phương án 1 có 22/28 Đoàn có ý kiến; theo Phương án 2 chỉ có 6/28 Đoàn có ý kiến; có 27 Đoàn ĐBQH chưa có ý kiến trong tổng số 55 Đoàn ĐBQH gửi báo cáo tổng hợp.

Thẩm quyền cấp phép cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu. Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, từ hậu quả môi trường từ miền Trung vừa qua, cho thấy khâu đánh giá tác động môi trường một số dự án chưa thấu đáo. Để đảm bảo yếu tố khách quan, đại biểu ủng hộ theo phương án 2, giao cho cấp tỉnh. Như vậy sẽ thuận lợi cho việc đánh giá, thẩm định, vì cấp tỉnh sẽ nắm rõ dự án ở địa phương, đảm bảo khách quan và cũng rõ trách nhiệm.

Bà Hoa cho rằng, dự án vẫn còn những điều luật đưa ra hai phương án, trong đó có việc phân loại dự án, nội dung được xem là quan trọng nhất trong dự án luật. ”Nếu nghiên cứu sâu hơn chắc chắn sẽ còn nhiều điểm bất cập được chỉ ra”, do nhiều vấn đề tác động rất lớn đến xã hội, người dân, song đại biểu Quốc hội còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, nên đề nghị cân nhắc thời điểm thông qua dự án luật.

Liên quan đến thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đề nghị thực hiện phương án 2, giao cho UBND cấp tỉnh thẩm định đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt.

“Trách nhiệm về bảo vệ môi trường, xử lý môi trường thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thành phố, các địa phương mới nắm chắc được mức độ tác động của dự án đến môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh của dân cư tại địa phương”, ông Tuân cho hay.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ đã họp nhiều lần, đưa ra các phương án, trong đó đa số các ý kiến ủng hộ, sau đó mới trình ra Quốc hội. Với 20 ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng hứa sẽ nghiên cứu xác đáng để tham mưu cho các cơ quan liên quan và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện báo cáo ra Quốc hội.

“Những vấn đề khó khăn như vệ sinh, an toàn thực phẩm; chất lượng phân bón; trong Chính phủ cũng rất khó khăn khi đưa ra mối quan hệ nay. Nhưng để làm cách mạng, để dân chủ và khoa học, tôi thấy đưa ra Quốc hội để lấy ý kiến 2 phương án. Thông qua ý kiến hôm nay, tôi cho rằng điều mà Quốc hội ra quyết định sẽ hết sức đúng đắn thay cho việc chúng ta phân vân”, ông Hà nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG