Sau đấu giá, được phép mua bán biển số đẹp

Biển số dạng "ngũ quý" như này được nhiều chủ xe yêu thích
Biển số dạng "ngũ quý" như này được nhiều chủ xe yêu thích
TP - Trước việc dư luận đang “nóng” vấn đề chuyển mảng sát hạch, cấp bằng lái xe (SH-CBLX) về Bộ Công an, đấu giá biển số xe đẹp… được quy định trong dự án Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TT-ATGT) đường bộ, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT trao đổi với PV Tiền Phong về các vấn đề liên quan. 

“Bàn tay sắt” kiểm soát an toàn giao thông

Dự án Luật Đảm bảo TT-ATGT đường bộ đã được Bộ Công an xây dựng xong để Chính phủ trình Quốc hội. Xin ông cho biết những điểm căn bản trong dự luật này?      

Tình hình giao thông hiện nay có nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết, như tai nạn giao thông (TNGT) vẫn ở mức cao, trong 10 năm từ 2009 đến 2020, số người chết về TNGT là hơn 100.000 người, trung bình mỗi năm có 10.000 người, mỗi ngày có 27 người… Đất nước đã hoà bình mà số người chết hằng năm vẫn nhiều như chiến tranh.

Kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện, ý thức chấp hành pháp luật về TT-ATGT của nhiều người tham gia giao thông còn rất hạn chế; tình trạng coi thường pháp luật, vi phạm TT-ATGT; ùn tắc giao thông vẫn rất phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm TT-ATGT đường bộ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, việc xây dựng dự án Luật Đảm bảo TT-ATGT đường bộ là hết sức cấp thiết, đặt yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tham gia giao thông lên một tầm cao và suy nghĩ mới. Thay vì các vụ TNGT xảy ra như hiện nay không có cơ quan nào chịu trách nhiệm cụ thể, theo dự án Luật Đảm bảo TT-ATGT đường bộ, cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp được xác định là Bộ Công an. Cùng với đó, những cơ quan, cá nhân gián tiếp gây ra tai nạn như trung tâm SH-CBLX, thầy giáo dạy lái xe, doanh nghiệp chủ quản của lái xe… cũng phải chịu trách nhiệm nếu nguyên nhân tai nạn là do tài xế…

Sau đấu giá, được phép mua bán biển số đẹp ảnh 1 Đại tá Đỗ Thanh Bình

Quy định chung đã có Luật Giao thông đường bộ, nay xây dựng luật riêng về trật tự giao thông đường bộ liệu có phù hợp? Với các lĩnh vực khác như đường sắt, đường thủy, hàng không…, thời gian tới có xây luật riêng?

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ đã giao các bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá công tác bảo đảm TT-ATGT trên cả 3 lĩnh vực là đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Trong 3 lĩnh vực này Chính phủ nhận thấy lĩnh vực đảm bảo trật tự, ATGT đường bộ có diễn biến phức tạp nhất và đang tồn tại, nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, bức xúc xã hội. Cụ thể, trong các vụ tai nạn được thống kê, TNGT đường bộ chiếm hơn 95% trong tổng số vụ, số người chết, số người bị thương.

Vi phạm về TT-ATGT đường bộ phổ biến, chiếm tỷ lệ trên 80% tổng số hành vi vi phạm của các lĩnh vực giao thông. Bên cạnh đó, đường bộ là nơi diễn ra phức tạp nhất về các hoạt động tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật khác. Đồng thời, lĩnh vực giao thông đường bộ liên quan, tác động đến quyền con người, tác động đến nhiều mặt của đời sổng kinh tế - xã hội và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Vì vậy, Chính phủ đã giao các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, đánh giá để xây dựng Luật Đảm bảo TT-ATGT đường bộ. Đối với các lĩnh vực giao thông khác, căn cứ vào tổng kết đánh giá khoa học và yêu cầu của thực tiễn, Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội để sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Không bàn nội dung “Lực lượng vũ trang quản lý sát hạch”

Một trong những nội dung làm nóng dư luận là dự luật quy định mảng đào tạo, SH-CBLX  sẽ chuyển về Bộ Công an quản lý. Điều này có phù hợp khi nhiều nước trên thế giới không để lực lượng vũ trang quản lý lĩnh vực dân sự?

Trước khi xây dựng dự án luật này, Chính phủ thực hiện nhiều buổi thảo luận và đi đến thống nhất về phạm vi điều chỉnh, bao gồm: quy tắc giao thông; đào tạo, SH-CPLX; đăng ký và cấp, thu hồi biển sổ xe cơ giới; tổ chức ATGT, chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết ùn tắc, TNGT; các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự, ATGT đường bộ. Tuy nhiên, về lĩnh vực SH-CPLX, do còn nhiều ý kiến khác nhau, nên nội dung này được Chính phủ đưa ra 2 phương án để xin ý kiến Quốc hội.

Tôi xin nói thêm rằng, kinh doanh đào tạo lái xe là kinh doanh có điều kiện, dù cơ quan nào quản lý thì hoạt động phải đủ điều kiện và phải được giám sát chặt chẽ. Khi được chuyển về Bộ Công an, SH-CPLX cũng được xem là lĩnh vực an ninh trật tự và hoạt động cũng phải có điều kiện tương tự lĩnh vực PCCC hiện nay.

Chúng tôi cũng tham khảo nhiều mô hình quản lý SH-CPLX ở các nước. Chúng tôi thấy rằng nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Nga, Pháp, Australia, Đức, Hà Lan...  cũng đang giao lực lượng cảnh sát thực hiện công tác này. Cũng có ý kiến cho rằng, vì cảnh sát các nước này không phải là lực lượng vũ trang, chúng tôi không bàn việc đó.

Cái chúng tôi đang quan tâm là mình vừa làm nhiệm vụ sát hạch vừa xử phạt thì có được công khai, minh bạch hay không. Chúng tôi đặt ra vấn đề như thế và chúng tôi có giải pháp để khẳng định sẽ công khai, minh bạch. Mỗi nhiệm vụ đều quan trọng. Nước ta xác định, ATGT là một bộ phận của ATGT xã hội, quản lý nội dung này sẽ do cơ quan công an chịu trách nhiệm. Đây không phải là can thiệp vào hoạt động kinh tế, mà đây là lĩnh vực hoạt động kinh doanh có điều kiện.

Sẽ cho phép mua bán biển số đẹp

Sau nhiều năm thiếu quy định, dự luật cũng nêu rõ về đấu giá biển số xe. Tuy nhiên, khác với nhiều nước phát triển (đấu giá quyền sử dụng), nước ta vẫn là để lấy số đẹp và vẫn bán, tặng được?

Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, kho số của biển số xe do Bộ Công an sử dụng để cấp đăng ký xe là tài sản công, nhưng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 lại quy định cấm mua, bán biển số xe. Dự án Luật Đảm bảo TT-ATGT đường bộ lần này đã sửa đổi quy định trên, theo đó, chỉ cấm mua, bán trái phép biển số xe, còn trường hợp mua biển số thông qua đấu giá là hợp pháp. Đồng thời, dự thảo luật này đã quy định cấp biển số thông qua đấu giá là một trong các hình thức cấp biển số xe.

Các luật chuyên ngành đã cụ thể hóa việc đấu giá biển số xe, biển số xe cơ giới sau đấu giá được đảm bảo đầy đủ các quyền về tài sản gồm: quyền sử dụng, quyền chiếm hữu, quyền định đoạt (mua bán, trao tặng và phải nộp thuế). Mục tiêu của việc Bộ Công an thực hiện nội dung này là tạo điều kiện cho người dân lựa chọn biển số xe cơ giới theo sở thích, đáp ứng nhu cầu trong sinh hoạt và kinh doanh, đồng thời gắn trách nhiệm người trúng đấu giá sử dụng biển số đó.

Một số nước phát triển đang thực hiện quyền đấu giá biển số xe. Singapore một năm cấp quota 10.000 xe để thực hiện đấu giá quyền sử dụng để người dân đăng ký. Mục tiêu quản lý là để chống ùn tắc, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tôi rất mong Việt Nam thực hiện được như thế, nhưng nội dung này không nằm ở dự án Luật Đảm bảo TT-ATGT đường bộ.

Tăng giao tiếp với dân

Cục CSGT là đơn vị chủ trì soạn thảo dự án luật. Ông có suy nghĩ gì xây dựng một luật gặp phải nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, và nếu luật được thông qua ông quan tâm nhất điều gì?

Tôi nói thật là từ khi được giao phụ trách và phối hợp với các bộ, ngành soạn thảo dự thảo dự án luật, tôi đã mất ngủ khoảng 2 tháng. Mất ngủ không phải vì lo trách nhiệm không đáp ứng được mà là phải bàn bạc, nghĩ ra giải pháp để đảm bảo trật tự, giảm tai nạn giao thông, giảm ùn tắc. Nếu luật thông qua, trách nhiệm chúng tôi rất nặng nề, khi đó, nếu tai nạn xảy ra nhiều, dư luận có quyền đặt câu hỏi tại sao TNGT lại xảy ra như thế. Chúng tôi sẽ phải có giải trình và nhận trách nhiệm, chứ không thể đổ cho ai được.

Cùng với đó, để người dân tự giác chấp hành giao thông, luật cũng phải có quy định để lực lượng làm nhiệm vụ trên đường tăng cường giao tiếp với người dân tốt hơn. Thực tế, luật xử lý vi phạm hành chính hiện nay, CSGT chỉ có phạt, chúng tôi không có cơ hội giao tiếp với người dân.

Cảm ơn ông

Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, kho số của biển số xe do Bộ Công an sử dụng để cấp đăng ký xe là tài sản công, nhưng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 lại quy định cấm mua, bán biển số xe. Dự án Luật Đảm bảo TT-ATGT đường bộ lần này đã sửa đổi quy định trên, theo đó, chỉ cấm mua, bán trái phép biển số xe, còn trường hợp mua biển số thông qua đấu giá là hợp pháp. Đồng thời, dự thảo luật này đã quy định cấp biển số thông qua đấu giá là một trong các hình thức cấp biển số xe.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.