Trung tâm Lưu trữ quốc gia lý giải về những hạt 'sạn' tại triển lãm lịch sử

Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV hứa khắc phục về các lỗi trong triển lãm lịch sử tại Đắk Lắk. Ảnh TP
Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV hứa khắc phục về các lỗi trong triển lãm lịch sử tại Đắk Lắk. Ảnh TP
TPO - Trao đổi với Tiền Phong sau bài “Triển lãm lịch sử dự trù tiêu tốn 800 triệu nhiều 'sạn' đến khó tin”, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cảm ơn những góp ý xác đáng và hứa sẽ khắc phục, chỉnh sửa để những triển lãm sau được hoàn thiện hơn.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV lý giải, trong quá trình tập hợp hơn 1.000 tài liệu, hình ảnh từ nhiều nguồn, nhóm biên tập nội dung đã cố gắng biên tập các chú thích (etiket) sao cho thống nhất về kết cấu, đầy đủ và chính xác về nội dung thông tin để phục vụ công chúng xem triển lãm.

Tuy nhiên, do số lượng tài liệu nhiều, thông tin đa dạng được cung cấp từ nhiều nguồn nên đã không tránh khỏi một vài sai sót về mặt kỹ thuật như lỗi chính tả, sai lệch trong tên gọi và thiết kế đồ họa.

“Những sai sót trên đã được chúng tôi tiếp thu và khắc phục trên các bản thiết kế ngay sau lễ khai mạc. Chúng tôi dự kiến sẽ bàn giao lại bản ma-két đã chỉnh sửa cho Ban Tổ chức triển lãm để tiếp tục trưng bày tại các địa phương trong tỉnh Đắk Lắk”, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV cho hay.

Về tấm mộc bản mà bài viết đề cập, đơn vị chịu trách nhiệm nội dung lý giải rằng, đã thông tin rất rõ trong buổi khai mạc đó là phiên bản và được làm từ vật liệu composite chuyên dụng để trưng bày ngoài trời, chịu được mưa nắng nên không lo bị hư hỏng do thời tiết.

Đối với các tài liệu được viết bằng tiếng Pháp, họ đã tóm lược nội dung và đưa vào phần chú thích, đảm bảo đầy đủ thông tin cần thiết để công chúng có thể hiểu được nội dung tài liệu đưa ra triển lãm, không “đánh đố người xem” mà vẫn đảm bảo mục tiêu đưa sử liệu gốc đến với công chúng.

“Đây cũng chính là mong muốn lớn nhất của đa số khách tham quan có phản hồi với chúng tôi từ các triển lãm trước đây do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức”, đại diện đơn vị phụ trách nội dung triển lãm nhấn mạnh.

Về chức danh “Chủ tỉnh”, theo bản dịch của đơn vị cung cấp tài liệu, đây là chức danh hành chính của người đứng đầu các tỉnh tại vùng Hoàng Triều Cương thổ trong thời gian Bảo Đại làm Quốc trưởng. Do tôn trọng tài liệu gốc và lịch sử hành chính qua các thời kỳ nên không thể thay bằng “Chủ tịch tỉnh” hay “Tỉnh trưởng” được. Tương tự, trong thời kỳ Mỹ Ngụy, người đứng đầu các tỉnh được định danh là “Tỉnh trưởng” và được chú thích theo đúng nguyên văn.

Về kinh phí, căn cứ nội dung công việc, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã trình Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phê duyệt dự toán với số tiền 299 triệu đồng cho toàn bộ phần thiết kế, in ấn, thi công triển lãm. Được biết, Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk cũng đã phê duyệt kinh phí thực hiện khai mạc triển lãm là 239 triệu đồng. Như vậy, kinh phí thực hiện triển lãm là 538 triệu đồng, chỉ bằng 2/3 con số khái toán trong kế hoạch sơ bộ.

Trước đó, Tiền Phong đã có bài viết về một triển lãm lịch sử đầy 'sạn'”, phản ánh những sai sót nghiêm trọng về nội dung tại Triển lãm “Lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Đắk Lắk qua tài liệu lưu trữ”.

Trong đó, nhiều chi tiết của triển lãm có nhiều lỗi cẩu thả, rất nhiều câu chữ và nội dung chú thích sai, tiền hậu bất nhất. Ví dụ riêng địa danh M’Đrắk trên cùng 1 mảng trưng bày đã có tới 3 cách ghi khác nhau: “M’Dack”, “M’Drack”, “M’Drak”.

Cùng tấm ảnh 6 vị lãnh đạo đứng, nhưng chỗ này chú thích “Cuộc họp đầu tiên của Tỉnh ủy Đắk Lắk tại thị xã Ban Mê Thuột sau giải phóng, năm 1975”, chỗ khác lại ghi “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk, năm 1978”. Cùng chức vụ, nơi ghi là “Tỉnh trưởng”, nơi ghi “Chủ tỉnh”…

Theo ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng ban Tổ chức Triển lãm cho biết Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước là đơn vị chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung Triển lãm. Còn kinh phí, 800 triệu chỉ là mức dự trù ban đầu, trong đó ngân sách tỉnh phân nửa. Tuy nhiên sau đó tỉnh đã giảm số khách mời và một số chi phí lễ tân, hiện chưa quyết toán nhưng chắc chắn tiết kiệm khá nhiều.

UBND tỉnh cầu thị lắng nghe, tiếp thu, ông Cảnh cho biết, sắp tới sẽ tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn.

Trong khi đó, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk - ông Đinh Một than toàn nghe “mắng oan” về triển lãm, nên đã chủ động thống kê một số lỗi, đề nghị Ban Tổ chức rút kinh nghiệm. Ông khẳng định cán bộ nhân viên Bảo tàng Đắk Lắk không hề được tham gia góp ý trong quá trình chuẩn bị, thiết kế và thi công.

MỚI - NÓNG