Sáng 19/2, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đề cập quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, việc các cơ quan của Quốc hội chủ trì việc sửa đổi, bổ sung nội dung của dự án luật là sự phối hợp không hợp lý, dẫn đến trách nhiệm trong hoạt động lập pháp không rõ ràng, làm cho chính cơ quan soạn thảo không phát huy đầy đủ thế mạnh của cơ quan trực tiếp quản lý mọi mặt của đời sống xã hội. Đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến việc chất lượng của một số dự án luật được Quốc hội thông qua không bảo đảm, như: Bộ luật Hình sự, hay Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội.
Vì vậy, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam kiến nghị, sửa đổi Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật theo hướng cơ quan soạn thảo phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án luật trình Quốc hội. Nếu cuối cùng Quốc hội vẫn không đồng tình thì Chính phủ và Quốc hội phải nghiên cứu, phân tích, phản biện và giải trình để tìm ra một phương án chính sách mới phù hợp nhất có thể để đưa trình Quốc hội tại các kỳ họp sau.
Tuy nhiên, từ thực tiễn nhiều năm tham gia hoạt động Quốc hội, ông Nguyễn Đình Quyền cho biết, trước năm 2003, tất cả các dự án luật thì sau khi đại biểu Quốc hội có ý kiến rồi thì cơ quan chủ trì soạn thảo về chỉnh lý. Nhiều khi “Quốc hội xi nhan phải thì về ông rẽ trái. Tức là Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này thì về sửa một kiểu, cho ý kiến một đằng thì sửa một nẻo. Đến khi ra Quốc hội bảo chưa được, lại đưa về sửa tiếp, cứ thế, “lợi ích nhóm” cài vào văn bản. Khi Quốc hội thấy mệt mỏi quá, thôi bảo thông qua cho xong”, ông Quyền cho hay.
Từ đó, ông Quyền cho rằng: Quốc hội phải nắm trọn quyền lập pháp của mình, gồm xây dựng chương trình, thẩm tra. “Ông trình thì ngứa chỗ nào gãi chỗ ấy. Tức là ông là người quản lý nhà nước, người thực hiện chức năng của mình trên phương diện thực tiễn thì ông biết chỗ nào ngứa thì ông trình. Song giải quyết chỗ ngứa đó như thế nào thì phải là Quốc hội”, ông Quyền nói.
Bày tỏ sự đồng tình với việc MTTQ tham gia phản biện văn bản pháp luật, ông Quyền nhận xét, đây là quy định phù hợp, nhất là trong giai đoạn hiện nay thẩm định, thẩm tra vẫn để “lợi ích nhóm” len lỏi vào. “Lợi ích nhóm người ta cài vào thì chuyên gia pháp luật mới phát hiện được, cài kín lắm, cài đủ các loại luôn, rất kín. Không có sự phát hiện, bóc tách thì rất tai hại”, ông Quyền cảnh báo.
Ông Nguyễn Đăng Dung, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật lại cho rằng Quốc hội làm luật rất khó. Cho nên tốt nhất là Quốc hội chỉ ra người nào làm luật, tức là lựa chọn ông bộ trưởng tốt. Theo ông Dung, sự cần thiết trong việc xây dựng luật và ra chủ trương chính sách đề ra trong luật thì Chính phủ phải lo.
Ông Thái Vĩnh Thắng, Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết quan điểm lập hiến, lập pháp hiện nay trên thế giới khác nhau. Có những vấn đề tổ chức nhà nước, quyền cơ bản của công dân thì là lập pháp nhưng có những vấn đề Quốc hội không thể lập pháp vì là chuyên môn, cần phải giao cho cơ quan chuyên môn. Việt Nam nên có chính sách thế nào đó quy định những lĩnh vực nhất thiết phải lập pháp, còn những lĩnh vực không cần thiết phải lập pháp mà chỉ lập quy thôi. Từ đó, ông Thắng đồng tình với quy định, cơ quan chủ trì thẩm tra dự luật phải chịu trách nhiệm chỉnh sửa. “Lập pháp phải giao cho Quốc hội, tránh hiện tượng có kẽ hở, lồng lợi ích nhóm, lợi ích ngành, cục bộ vào trong đó”, ông Thắng nói.