Bãi xe thành nhà hàng, quán nhậu
Như Tiền Phong nhiều lần phản ánh, năm 2007, Hà Nội chính thức phê duyệt cống hóa mương đoạn phố Phan Kế Bính (quận Ba Đình) để làm điểm trông giữ xe. Thế nhưng, tại đây nhà hàng, quán ăn đua nhau mọc lên. Tháng 6/2018, UBND quận Ba Đình cùng các lực lượng chức năng cưỡng chế công trình sai phạm ở dự án cống hóa mương Phan Kế Bính. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên ngày 25/11, Nhà hàng Hải Sản Phố tọa lạc đầu phố Phan Kế Bính vẫn còn nguyên, lượng khách, xe cộ ra vào vẫn nườm nượp. Phía bên trong là bãi xe trưng biển hết chỗ, bên cạnh là quán bia Hải Xồm phần giải tỏa được sử dụng làm bãi xe của quán này.
Tháng 5/2018, UBND quận Cầu Giấy cưỡng chế đối với các cơ sở kinh doanh tại Dự án cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô kết hợp làm bãi đỗ xe và công trình phụ trợ ở đường Nguyễn Khánh Toàn (Quan Hoa, Cầu Giấy). Đến nay vẫn còn công trình, cơ sở kinh doanh hoạt động, chưa thấy xây dựng bãi đỗ xe.
Ngày 30/8/2016, UBND TP Hà Nội có văn bản cho phép Công ty Cổ phần Hỗ trợ phát triển công nghệ Detech (Cty Detech) nghiên cứu lập dự án xây dựng gara đỗ xe ngầm, cây xanh kết hợp dịch vụ công cộng tại một phần đất thuộc ô quy hoạch ký hiệu D20 Khu đô thị mới Cầu Giấy. Đến ngày 3/3/2017, Sở Quy hoạch Kiến trúc có văn bản cấp phép cho Cty này nghiên cứu lập dự án trên diện tích khoảng 3392,4m2; trong đó đất đấu nối hạ tầng kỹ thuật khoảng 752,4m2, đất xây dựng công trình khoảng 2.640m2. Tuy nhiên, ghi nhận của PV, mấy năm qua, khu đất này được sử dụng để làm trường học, nhà hàng ăn uống, không thấy triển khai bãi đỗ xe.
Năm 2003, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn đến năm 2020 với tổng diện tích là 503,32 ha. Tuy nhiên, đến nay, hàng loạt khu “đất vàng” trước đây được phê duyệt làm bãi trông giữ xe, hiện tại đã biến tướng, thay đổi công năng sử dụng như nêu ở trên.
Muốn phá lợi ích nhóm, phải kiểm tra chéo
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thuỷ nêu ý kiến, rõ ràng không có bãi đỗ xe thì người dân phải để trên vỉa hè, để dưới lòng đường và đương nhiên gây ùn tắc giao thông. Việc các bến xe chuyển đổi công năng, xuất hiện các chung cư cao tầng, nhà hàng, rõ ràng là có lợi ích nhóm.
Theo TS Thủy, Nhà nước và Hà Nội phải lựa chọn, phân công những người mới, có trách nhiệm, có nghiệp vụ quản lý vấn đề quy hoạch bến xe. Ngoài Bộ GTVT thì trách nhiệm lớn thuộc về Bộ Xây dựng trong công tác quản lý cấp phép xây dựng, quy hoạch đô thị. Các cơ quan này phải quy hoạch, kiểm tra chéo nhau và cần phải coi việc xây dựng các bãi đỗ xe quan trọng như xây dựng đường giao thông bởi cho người dân chạy xe trên đường mà không bố trí điểm đỗ thì không thể được.
Bãi gửi xe của công an cũng thu tiền
Quyết định 129/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng quy định: “Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm bố trí khu vực để phương tiện giao thông của cán bộ công chức, viên chức và của người đến giao dịch làm việc. Không thu phí gửi phương tiện giao thông của người đến giao dịch làm việc”. Tuy nhiên, tại trụ sở Đội CSGT số 14 Hà Nội (số 5 đường Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội), tình trạng thu tiền của người dân đến làm việc vẫn diễn ra thường xuyên.
Trong đoạn clip phóng viên Tiền Phong có được cho thấy, người dân vào làm việc chưa đầy 5 phút, khi lấy xe ra thì có một người chạy đến thu tiền và không cung cấp vé hay bất cứ giấy tờ gì. Lượng xe ra vào tại đây rất lớn, đặc biệt là ô tô. Việc thu tiền gửi xe của người này diễn ra công khai khiến người dân bức xúc. Khi được phản ánh về việc này, trung tá Lê Văn Tiến, Đội trưởng Đội CSGT 14, cho biết, bãi xe này thuộc quản lý của Đội Đăng ký xe (Phòng CSGT – Công an Hà Nội).