Những người trẻ truyền cảm hứng

Trung 'đồng nát' xây trường, nuôi cơm em nhỏ

Trưởng nhóm Tình nguyện Niềm Tin Hoàng Hoa Trung
Trưởng nhóm Tình nguyện Niềm Tin Hoàng Hoa Trung
TP - 11 năm làm tình nguyện, chàng trai trẻ Hoàng Hoa Trung, Trưởng nhóm Tình nguyện Niềm Tin cùng các cộng sự đã xây dựng được 25 điểm trường, kêu gọi 12 nghìn người nuôi cơm 12 nghìn em nhỏ vùng cao. Anh vừa được Hội đồng bình chọn Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019 chọn lựa là một trong 20 đề cử để bình chọn 10 gương mặt xuất sắc nhất.

Trung “đồng nát”

Hoàng Hoa Trung từng là một học sinh giỏi, cấp 2 học top đầu của trường. Một biến cố xảy ra vào năm học lớp 11, anh quyết định táo bạo: bỏ thi đại học. Anh theo học hệ thống giáo dục Aptech của Ấn Độ tại Việt Nam 3 năm để trở thành một lập trình viên quốc tế, sau đó là 3 năm theo học Arena Multimedia về thiết kế đồ họa đa phương tiện. Anh chọn làm công việc tự do để dành thời gian cho đam mê tình nguyện.

Anh bén duyên với hoạt động tình nguyện từ những năm học cấp 3, với dự án đầu tiên là Thiệp nhân ái cho trẻ em nghèo. Dự án nhằm giúp những trẻ em khuyết tật, mồ côi tự tay làm các tấm thiệp bán để có thêm thu nhập. Chỉ trong vòng 5 năm, Trung và đội tình nguyện đã giúp các em nhỏ bán được hơn 2 vạn tấm thiệp. “Có em nhỏ nhờ bán thiệp đã mua được điện thoại nhắn tin liên lạc về gia đình sau bao năm bặt tin. Đó là một trong những niềm vui đến giờ tôi vẫn không thể quên được”, Trung cho biết.

“Có người bảo tôi, làm tình nguyện thế được rồi, dừng lại chuyên tâm cho gia đình, cưới vợ, sinh con nhưng tôi xác định rồi, tôi làm tình nguyện cả đời. Với tôi, tình nguyện là một niềm đam mê, đam mê mang niềm vui, hạnh phúc đến cho người nghèo, người kém may mắn”, Hoàng Hoa Trung, Trưởng nhóm Tình nguyện Niềm Tin 

Từ dự án Thiệp nhân ái, Hoàng Hoa Trung gia nhập nhóm Tình nguyện Niềm Tin rồi trở thành thủ lĩnh của nhóm, cho ra đời hàng loạt chương trình, dự án hoạt động thiện nguyện độc đáo, tạo dấu ấn trong cộng đồng. Với quan điểm, chủ động gây quỹ thiện nguyện, Trung trở thành “Trung đồng nát” khi đích thân đi lượm từng ve chai, đồ cũ, giấy vụn…

Trung 'đồng nát' xây trường, nuôi cơm em nhỏ ảnh 1 Hoàng Hoa Trung bên các em nhỏ vùng cao. Ảnh: NVCC

“Điều thú vị nhất tôi từng làm đồng nát mà thành công rực rỡ là đi xin gốm lỗi tại Bát Tràng. Tôi đào những khu vực bãi rác gốm, nhặt gốm còn sử dụng được bán thu về hơn 60 triệu đồng. Số tiền này tôi góp gây quỹ xây trường học”, Trung chia sẻ.

Năm 2012, Dự án Ve chai Niềm Tin là một trong những dự án sớm nhất tại Hà Nội về thu gom ve chai gây quỹ. Dự án gom ve chai tại các ký túc xá từng mua được 8 cặp lồng gà và 4 con lợn giống tặng 10 hộ dân khó khăn sống chung với HIV tại Sóc Sơn, Hà Nội.

Sau đó là hàng loạt dự án bán bảo hiểm xe máy, bán nông sản cho bà con, bán đất trồng cây cảnh… Cho đến nay, dù đã có hàng ngàn mạnh thường quân đồng hành với các hoạt động thiện nguyện của nhóm Tình nguyện Niềm Tin nhưng Hoàng Hoa Trung vẫn duy trì hoạt động “đồng nát”. Nhà ở của anh lúc nào cũng trong tình trạng như một kho đồng nát, chồng chất đủ thứ từ quần áo cũ, nồi niêu, xoong chảo, ấm chén, chai lọ, sách báo, bạt cũ… Ai cho gì, ủng hộ gì Trung đều nhận để bán gây quỹ.

Nuôi cơm 12.000 học sinh vùng cao

Từ năm 2009, nhận thấy phong trào tình nguyện Hà Nội lan tỏa mạnh mẽ, Hoàng Hoa Trung quyết định mở rộng đối tượng hướng đến là trẻ em vùng cao với Dự án Ánh sáng Núi Rừng, nhằm xây trường học, nhà vệ sinh, tặng nhu yếu phẩm cần thiết cho học sinh, bà con dân bản. Từ năm 2012, Dự án Ánh sáng Núi Rừng xây dựng thành công điểm trường đầu tiên tại Lai Châu. Đến thời điểm này đã xây được 25 điểm trường. Mỗi ngôi trường có giá trị từ 120 - 600 triệu đồng, được xây bằng gạch, khung sắt, thép, có đầy đủ thiết bị từ lớp học, bếp ăn, nhà công vụ, nhà vệ sinh đến sân chơi…

“Tuy nhiên, một điều lạ là dù có trường lớp sạch đẹp nhưng các em vẫn nghỉ học, bỏ học rất nhiều. Để tìm hiểu căn nguyên, tôi đi theo các em đến lớp, về nhà. Hóa ra vì các em đói quá, không có cơm ăn. Nhiều em để bụng đói đi học, có em học xong đi thẳng vào rừng nhặt hạt, đào măng, củ ăn cầm hơi”, anh Trung kể.

Trăn trở từ thực tế đó, năm 2014, Hoàng Hoa Trung phát động Dự án Nuôi Em, nhằm kêu gọi các mạnh thường quân nuôi ăn trưa cho học sinh vùng cao với 8,5 nghìn đồng/bữa/em. Tuy nhiên, 4 năm đầu dự án rất chật vật, ít người quan tâm. Từ năm 2018, Trung thay đổi tư duy cách làm theo hướng minh bạch nhất có thể. Mỗi người nuôi 1 em nhỏ bản cao. Người đó nắm được toàn bộ thông tin cá nhân, hình ảnh, số điện thoại của bố mẹ, già làng, trưởng bản, thầy cô giáo, hiệu trưởng và cả phòng giáo dục để kiểm tra, kiểm soát tính minh bạch. Thông tin hình ảnh, clip ăn uống của các em được thầy cô giáo quay, chụp theo tuần và cập nhật lên group (nhóm) của điểm bản cùng anh chị nuôi của bé đó. Mỗi năm, người nuôi có thể lên thăm các bé hoặc đi cùng dự án đến thăm, kiểm tra các em.

Nhờ sự thay đổi đó, từ năm 2018, Dự án Nuôi Em tạo sự thay đổi vượt bậc. Năm 2018, có hơn 6.000 người tham gia nuôi hơn 6.000 trẻ em bản cao thuộc các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Nghệ An, trị giá hơn 7 tỷ đồng. Năm 2019, có gần 12.000 người nhận nuôi cơm gần 12.000 em nhỏ tại 7 địa phương: Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nam, Cao Bằng, trị giá hơn 15 tỷ đồng.

Từ số tiền dư trong việc nuôi cơm trưa (do nghỉ lễ tết), cũng như đóng góp thêm của các mạnh thường quân, Dự án Nuôi Em mua hơn 350 bình lọc nước sạch đặt tại hơn 350 điểm trường cho các em sử dụng. Dự án còn mua áo ấm, chăn, đệm, chiếu cho các em ăn ngủ tại trường.

Mục tiêu xóa sổ trường tạm vùng cao

Hoàng Hoa Trung cho biết, số người tham gia Dự án Nuôi Em vẫn đang tăng lên theo cấp số nhân. Theo anh Trung, đây là sức mạnh từ cộng đồng, anh chỉ đóng vai trò là người kết nối, chia sẻ. Mỗi hình ảnh Nuôi Em được chia sẻ đều nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng và nhận được sự hỗ trợ thực. Trung đặt mục tiêu, năm 2020, dự án sẽ thu hút gần 20 nghìn người tham gia nuôi cơm 20 nghìn trẻ vùng cao; xây dựng 30 điểm trường.

Chỉ những ngày cuối năm 2019, đầu năm 2020, thủ lĩnh nhóm Tình nguyện Niềm Tin đã chốt xây dựng 9 điểm trường. “Mục tiêu của tôi là trong 2 năm tới sẽ xóa toàn bộ trường tạm ở Mường Nhé, Điện Biên, thay vào đó là những ngôi trường khang trang. Sau đó sẽ lần lượt thực hiện hoàn thiện đồng bộ điểm trường ở các địa phương khác”, Trung bày tỏ quyết tâm.

Nhờ những việc làm thiết thực, hiệu quả của Dự án Nuôi Em, các mạnh thường quân đã góp tiền trả lương cho Trung cũng như các thành viên dự án tình nguyện. Có lẽ đây là mô hình đầu tiên tại Việt Nam làm được điều này.

Song song với Dự án Ánh sáng Núi Rừng, Nuôi Em, Hoàng Hoa Trung đang thực hiện hàng loạt dự án khác: Dự án Năng lượng gió mặt trời, Đi Ra Từ Rừng, Tủ sách vùng cao, Đồ chơi cũ cho trẻ mầm non bản cao..., tất cả đều hướng đến thoát nghèo bền vững, nâng cao chất lượng dân trí, cuộc sống cho đồng bào vùng cao.

Với những đóng góp xuất sắc cho hoạt động tình nguyện, Hoàng Hoa Trung đã đạt Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2017; Forbes Vietnam bình chọn là 30 Under 30 năm 2020; nhóm Tình nguyện Niềm Tin hai năm đạt Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG